[2024] The Grand Strategy of Life
Tại sao mình lại viết? Làm thế nào để biết mình đang đi đúng hướng trong cuộc đời này? Làm sao để định nghĩa được thành công?
The album I listened to while writing this post
18.06.2024
Chapter List:
Lời tựa
Tại sao mình lại viết?
Xây dựng chiến lược cuộc đời
Nền tảng giá trị cốt lõi
Mục tiêu và các khía cạnh cuộc đời
Xác định phương hướng
Thói quen và hành động
Xong rồi, thì sao nữa?
Disclaimer: Đây không phải là self-help, mình không viết nhằm mục đích khuyên bảo bạn phải làm gì hoặc để bán khóa học. Lí do mình có viết ở dưới, bạn có thể cân nhắc trước khi đọc.
Since all we have is time…
Khi mọi thứ không như kì vọng
Về mình
Nếu bạn chưa biết về mình trước khi đọc bài này, thì mình là Nguyên - và trong những năm tuổi 20s, mình may mắn được trải nghiệm khá nhiều so với những người đồng lứa.
Mình trưởng thành từ môi trường ngành kinh tế ở đại học Ngoại Thương và tham gia tổ chức sinh viên quốc tế (AIESEC). Mình dành gần 3.5 năm đi làm và sống ở 3 quốc gia (Việt Nam, Đài Loan và New Zealand). May mắn lớn nhất từ những trải nghiệm ấy là mình được gặp, làm việc cùng và chia sẻ với nhiều người, nhiều thế giới quan khác nhau. Món quà lớn nhất từ đó là mình có thể nhìn mọi thứ một cách đa chiều hơn - ít nhất là cố gắng để hiểu từ góc nhìn từ những người khác mình.
I am a man of two faces, and also a man of two minds,(…). I am simply able to see any issue from both sides.
- The Sympathizer, Viet Thanh Nguyen
Mình cũng có một vài trải nghiệm hơi khác người một chút. Mình mắc căn bệnh viêm tuỷ không rõ nguyên nhân vào 2020 - thứ đã suýt lấy đi khả năng đi lại của mình. Mình vẫn nhớ khoảnh khắc ngồi xe lăn vào cấp cứu giữa một Sài Gòn đang lockdown, hay những đêm đông lạnh ở Đài Bắc ngồi một mình trước phòng chụp MRI. Đến tận bây giờ mình vẫn đang chiến đấu với căn bệnh này, nhưng nó không ngăn mình sống một cuộc đời khám phá và thử thách bản thân nhiều hơn.
Trong 1 năm sống tại nước ngoài, mình từng dành 1 tuần đi du lịch một mình ở Đài Loan, khắp bờ Tây từ Đài Bắc tới Cao Hùng. Ở New Zealand, mình làm dự án với tư cách là nhân viên bán hàng thực địa (Field Sale). Từ một thanh niên không biết gì đất nước họ, mình từng một mình đi hết những thành phố lớn. Trong 3 tháng mình đi hơn 500+ hàng quán khác nhau, từng ngõ ngách thủ đô Wellington cho tới thành phố mù sương Dunedin, đến cả thị trấn mờ tuyết Queenstown. Lúc đó mình vẫn luôn cười thầm: “trớ trêu là tới lúc què rồi số phận mới đưa đẩy phải đi nữa và đi xa hơn…” Nhưng rồi mình vẫn cứ thế bước đi.
Một số cái từng làm mình ngẫm lại cũng hơi điên, như là nhảy dù tự do 3000m trên Hồ Taupo; lái xe hơn 1000km qua Đảo Nam một mình, và có một pha đổ đèo trên Arthur Pass trong sương mù đêm, trải nghiệm cận kề cái chết nhất của mình; leo đỉnh băng tuyết Tasman của núi Cook với một cái chân vẫn còn run run, kết quả là té ngã sưng cả đầu gối, nhưng vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ nhất cuộc đời.
Mình thích cảm giác chứng minh rằng mình có thể làm được những điều mình từng nghĩ là không thể. Và những trải nghiệm ấy đã định hình con người mình tới ngày hôm nay.
On top of Tasman Glacỉer, 2023
Skydiving in Taupo, 2023
Về chuyện đi làm của mình
Tại thời điểm mình viết bài này, chính thức thì mình đã thất nghiệp - điều nằm hoàn toàn ngoài kế hoạch mình từng mường tượng khi ra trường.
Đi làm 2-3 năm, lên quản lí, đi du học nước ngoài, đổi ngành sang tech, mở một doanh nghiệp tự thân, thành công (!?)
Thật sự là mình chưa nghĩ nhiều về đoạn sau đó lắm
Hồi mình mới về Việt Nam, mình đã nghĩ rằng công việc kế tiếp mình đảm nhận sẽ là một nơi mình có thể ổn định, ít nhất là vài năm tới. Suy nghĩ của mình lúc đó là: “Đây là điểm bắt đầu của một cuộc chiến dài hơi để leo lên vị trí quản lý”. Cũng có phần ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè cùng tuổi đã đi xa hơn mình khá nhiều: người có Startup riêng, người đã lên Manager, người đã lập gia đình và chuẩn bị mua nhà/mua xe. Nhưng nếu chỉ như thế, thì mình vẫn chưa thấy thỏa mãn lắm.
Phần lớn hơn, cái mình ghét cay đắng, là cảm giác đứng yên một chỗ, khi bản thân không xê dịch.
Thời gian ở nước ngoài, khi nhịp sống và công việc chậm hơn một nhịp so với ở quê nhà, phải trở về nước và tái hòa nhập khiến mình có cảm giác lúc nào cũng đi sau người khác một bước.
Rồi thực tế thì hơi phũ phàng: tại thời điểm mình về, công việc không suôn sẻ như kì vọng. Tình hình kinh tế trở nên khó khăn khiến cho công ty mình phải tái cấu trúc, các dự án mình cống hiến nhiều lúc phải bỏ ngang hoặc không đem lại kết quả rõ ràng, dù đã bỏ hàng tháng công sức. Điều cứu vớt động lực đi làm của mình bấy giờ phụ thuộc rất lớn vào người sếp trực tiếp - cũng là người anh đã giúp mình rất nhiều kể từ khi anh vào công ty năm 2022.
Mình nghĩ một người lãnh đạo tốt là người mình có thể học không chỉ về khía cạnh chuyên môn, mà là cách họ xử lí công việc, giải quyết những vấn đề về con người. Nhiều hơn hết, sự khác biệt giữa lãnh đạo (leader) và chỉ đạo (director) nằm ở niềm tin của người đó vào tiềm năng của những người được dẫn dắt - và thực sự có hành động cụ thể để khai phá hết tiềm năng ấy. Sếp trực tiếp là một trong số ít những người làm được điều ấy trong quãng thời gian đi làm của mình, nên đến bây giờ mình vẫn gọi anh là “sếp” dù anh không còn làm ở công ty mình nữa.
Và rồi đến khoảng đầu năm, mình nhận được tin là sếp mình nghỉ.
Đã đến lúc mình phải đi thôi.
Đây không phải là lần đầu tiên mình có suy nghĩ về việc nghỉ việc, nói đúng hơn thì số lần đâu đó đếm được trên bàn tay. Nhưng đây là lần ý nghĩ đó mãnh liệt nhất, và nó cũng không được quyết từ mình. Đúng như người ta hay nói: “Khi điều tệ nhất có thể xảy ra, nó thường xảy ra cùng một lúc”. Mình được đưa ra hai lựa chọn: một là ở lại nhưng gần như bắt đầu lại từ đầu - hai là đi. Đi đâu thì mình chưa biết, nhưng tới thời điểm đó mọi việc trong đầu mình đã rõ ràng.
Thật sự mà nói, trong đầu mình tưởng tượng cái ngày mình đổi công việc khác xa hơn nhiều so với thực tế hiện tại. Mình đã luôn nghĩ về một tương lai khi mà mình có thể đổi sang ngành công nghệ. Ý tưởng ấy khởi nguồn từ hoài bão thay đổi thế giới này - bắt đầu với một cái app, hoặc một cái gì đó có thể tác động lên tới hàng trăm nghìn người Việt Nam và hơn thế nữa. Mình đã từng nghĩ tới Crypto, việc tự học code và trở thành một Data Analyst cum Project Lead để có thể làm cú nhảy này một cách êm đẹp ra khỏi FMCG - lộ trình như đã định sẵn cho mình kể từ khỉ ra trường.
Thực tế thì mình đã không sang được ngành mới (dù đã có cố gắng) và cái định hướng đổi ngành mình vạch ra cũng đã lệch khá xa rồi - tính đến thời điểm này thì trình độ code của mình vẫn là 0. Nhưng mà để tự nhắc bản thân từ một vài dòng mà mình đã viết hồi 2023:
Chấp nhận sự thay đổi, và rằng có những thứ sẽ đi theo 1 hướng khác hoàn toàn so với kế hoạch ban đầu – and it’s okay.
…
Khi bản thân chấp nhận thay đổi, và biết rõ mình là ai, và mình muốn đi tới đâu – ngoại cảnh có như thế nào cũng sẽ có cách để vượt qua. Trên hết là hãy biết rõ mình muốn điều gì và cố gắng thêm một chút. Vượt qua được điều ấy chính là khi bạn trưởng thành và tiến xa hơn, ít nhất là so với chính bản thân trước đó.
…
Đối với mình khi mình cảm thấy được trân trọng và những điều mình làm đem lại giá trị cho công ty – kể cả đến lúc mình không còn đó nữa. Và quan trọng nhất là những người bạn, người anh em mà mình biết sẽ đặt niềm tin ở mình/cũng như cách mình đặt niềm tin ở họ.
Reflection 2020-2023 (Tiếng Việt)
Tính ra, trong một thế trận lớn hơn - với tuổi đời một người trung bình càng tiệm cận 100 tuổi, mình mới ở cột mốc chưa tới quá nửa.
Vậy lệch hướng chút thì có sao, mình đang chơi trò chơi lớn của cuộc đời mà.
Tại sao mình lại viết?
Những dòng suy ngẫm ấy, cộng hưởng bởi những sự kiện xảy ra gần đây, đã thôi thúc mình viết bài này. Đây không phải là lần đầu mình cố gắng để xây dựng một chiến lược cho cuộc đời (grand strategy) - nó là một phần dự án mình bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, nhưng lúc đó mình viết bằng tiếng Anh ở Medium cá nhân.
Thú thực, khi viết được nửa đường mình đã bị kẹt trong chính những suy nghĩ luẩn quẩn - phần lớn phát sinh từ ngoại cảnh không mấy tích cực tại thời điểm đó. Nhưng qua cơn mưa trời lại sáng, và khi bình tâm lại, mình cảm thấy mọi việc đều sẽ có cách giải quyết - quan trọng là đích đến của mình có thật sự là thứ mình muốn đấu tranh hay không.
Mình chọn viết bằng Tiếng Việt - và viết bài này trên nền tảng này bởi vì mình muốn tiếp cận tới nhiều người hơn.
Trước hết là để cho mình, để xây dựng được niềm tin vào bản thân và những giá trị mình tin tưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc sẵn sàng bảo vệ quan điểm ấy trước công chúng và những suy nghĩ trái chiều. Có thể mình suy nghĩ có phần không giống số đông, và cũng có thể bạn không đồng tình với các luận điểm mình đưa ra - nhưng sự tranh luận có thể giúp cả hai bên suy nghĩ một cách sâu sắc hơn. Chính điều ấy sẽ đòi hỏi sự chỉn chu hơn trong cách mình viết, trong cách mình phân tích, trong nội dung và cách mình trình bày vấn đề.
Thứ hai là để cho cộng đồng, vì mình biết có nhiều người em, người bạn, và thậm chí những người anh chị theo dõi nội dung mình viết. Mình tin vào giá trị từ sự chia sẻ, về việc “paying it forward” (trao đi) bởi mình sẽ không đến được ngày hôm nay nếu không từ sự dẫn dắt của các anh chị đi trước. Khi mình chia sẻ, mình muốn nội dung mình viết đủ sâu, đủ một vài góc nhìn khác nhau và quan trọng hơn - mình muốn người đọc bài mình viết nhận ra rằng: chẳng có gì người khác đúc kết là tuyệt đối, vì không có công thức nào áp dụng được cho mọi cuộc đời.
Mình không muốn điều mình chia sẻ chỉ gói gọn trong vài dòng, vài câu truyền cảm hứng, hay nhắc lại những đạo lí mà nghiễm nhiên coi đó là đúng dù bản thân chưa từng kiểm nghiệm hoặc trải qua thực tế đó.
Mình không muốn viết ngắn, hoặc những bài viết quá gãy gọn, nhiều phần vì mình chưa đạt tới cảnh giới truyền đạt ý niệm một cách súc tích vậy. Trước khi viết ngắn và hay, mình muốn viết đủ.
Nếu mình có thể đúc kết và truyền tải được những kinh nghiệm, quan sát mình có được tới nay trong những trang viết này, dù chỉ để dành cho bản thân mình cũng đã mãn nguyện.
Mình không viết bài này để bảo bạn phải làm gì, hay khuyên bạn bảo bạn dựa trên những gì mình đúc kết là đúng nhất. Mình tin vào giá trị của sự sẻ chia từ những kinh nghiệm và trải nghiệm.
Đọc xong bài này, bạn có thể học được điều gì đó hoặc không, được truyền cảm hứng để làm gì đó hoặc không.
Nhưng nếu mình làm bạn suy nghĩ nhiều thêm một chút về chủ đề này, để lại một dòng bình luận hoặc tương tác với mình, thì mình sẽ coi đó là thành công rồi :)
Mình viết bài này khi mình 25 tuổi, mình không có câu trả lời cho mọi thứ. Nhưng mình biết nếu đi đúng hướng, mọi con đường cũng sẽ dẫn đến đích đến mình luôn tìm kiếm.
Lake Tekapo, 2023
Xây dựng chiến lược cuộc đời
Nghe từ chiến lược thì có vẻ mỹ miều, thậm chí có người không thích vì nó bắt nguồn từ quân đội, nhưng về bản chất đó là sự định hướng và phân bổ nguồn lực để đạt tới cái mình mong muốn.
Để đi tới bất kì đâu - bạn cũng cần một tấm bản đồ. Nâng lên một bậc nữa, đó là bạn biết trên chặng đường đó cần đi qua những đâu, chuẩn bị và làm những gì, nên ưu tiên cái nào trước, cái nào sau. Rộng thêm chút nữa, đó là nhìn ở những mốc dài hơn: 1 năm, 3 năm, 5 năm hay thậm chí cả cuộc đời.
Từ “grand” trong “grand strategy” mình viết từ tiêu đề chính là để thể hiện quy mô này. Vì mình nghĩ, trong một năm hay ngắn hơn - mình có thể nghĩ ra rất nhiều thứ, muốn làm rất nhiều điều, nhưng lí do lớn nhất khiến giấc mơ hay đứt gánh giữa đường vì:
Rồi làm cái này xong thì sao nữa?
Muốn trả lời câu hỏi này thì thực ra có 3 vế:
Bạn tin vào điều gì?
Bạn muốn cái gì?
Bạn có đang đi đúng hướng không?
3 câu hỏi này mang tính liên kết, vì bạn phải trả lời được câu trước mới tiếp tục trả lời được câu kế tiếp. Ý tưởng cũng không phải nguyên gốc từ mình, mà từ một cuốn sách mình từng đọc là “7 Habits of Highly Effective People” của Franklin Covey. Mình không đồng tình với mọi điều viết trong sách, nhưng phương châm bắt đầu từ giá trị cá nhân là điều mình cảm thấy đồng điệu nhất.
Có thể bạn không có câu trả lời chính xác, có thể câu trả lời của bạn sẽ thay đổi theo thời gian - nhưng bước đầu tiên là phải bắt đầu đặt những câu hỏi này như là một thói quen trong cuộc sống.
Câu trả lời đối với mỗi người sẽ có phần khác nhau, và cách trả lời phụ thuộc rất nhiều vào những giá trị cốt lõi - cái hình thành nên thế giới quan của mỗi cá nhân.
Nên những gì mình viết trong chương tiếp theo mang tính tham khảo nhiều hơn, để bạn có thể tự xây dựng một bộ quy chuẩn riêng của bản thân.
Tất cả đều bắt đầu từ xác định nền tảng giá trị cốt lõi của bạn là gì?
Nền tảng giá trị cốt lõi
Mình không nói đến niềm tin tín ngưỡng, chính trị, hay quan điểm cá nhân về xã hội. Cái mình nói tới là những giá trị cốt lõi hình thành nên con người bạn.
Để hình dung dễ nhất thì bạn có thể tự hỏi bản thân:
Nếu một ngày bạn không còn tồn tại nữa, điều bạn muốn bản thân/người khác nhớ về cuộc đời bạn là gì?
Hay đơn giản hơn,
Bạn muốn sống như thế nào?
….
Nỗ lực hay là nhiều hơn thế
Một giá trị mà mình luôn trân trọng, được truyền lại cho mình từ gia đình, đó là sự nỗ lực. Tuy nhiên, bản thân sự nỗ lực chỉ là điều kiện cần thiết, chưa đủ để đảm bảo thành công. Yếu tố then chốt nằm ở sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự kiên trì thực hiện đến cùng - để làm một công việc thật tốt.
Trong cuốn sách "Bí mật về sự may mắn" mà mình đọc từ thuở nhỏ từng viết:
Nếu may mắn là một cơn mưa bất chợt… thì mảnh vườn nào đã cày bừa, gieo hạt giống cẩn thận sẽ đơm hoa kết trái ngọt nhiều nhất.
Mình không tin vào những thành công do may mắn ập tới bất ngờ. Thành công lâu bền, ổn định (sustainable) đều được xây dựng từ nền tảng vững chắc, chỉ chờ thời điểm thích hợp để trổ bông. Sự nghiệp của mình từ khi đi làm, với những thành công nhất định, là thành quả của sự chuẩn bị và kiên trì rồi mới tới may mắn:
Mình học trong một môi trường đại học kinh tế cạnh tranh - nhưng mình ý thức từ sớm chỉ kiến thức sách vở là chưa đủ. Để đi nhanh hơn mình cần phải học từ những người đồng lứa và những người đi trước, dẫn tới việc mình chủ động tìm kiếm môi trường phù hợp từ sớm.
Mình tham gia câu lạc bộ khi bắt đầu vào đại học. Từ đó, mình nhận ra tầm quan trọng về việc xây dựng những bộ kĩ năng cần thiết cho đi làm, thông qua các cuộc thi (đây là con đường mình chọn, dĩ nhiên là do mình thích nó, tuy nhiên nó không phải là con đường duy nhất).
Mình có nhiều cơ hội việc làm lúc ra trường, nhưng trong số đó, mình chỉ phỏng vấn và chọn con đường mình cảm thấy đạt đúng nhất mục tiêu về sự nghiệp quốc tế - đến từ giấc mơ từ thuở nhỏ về việc định cư ở nước ngoài (lựa chọn này khiến mình bỏ qua nhiều cơ hội khác mà lúc đó cho mình nhiều lợi ích hơn về lương, cơ hội thăng tiến…)
Trong thời gian đi làm, mình ý thức được việc phải xây dựng những kĩ năng ngoài chuyên môn, đặc biệt là cách xử lí các vấn đề về con người, bổ trợ các nhóm kĩ năng cứng & kĩ năng mềm. Mình đã bỏ khá nhiều tiền trong 2022-2023 để đi học các khóa học ngoài, ngẫm lại có cái dùng được cũng có cái không, nhưng nó giúp mình giữ được ý thức (mindset) luôn phải cố gắng để nâng cấp bản thân - upskill nữa và mãi…
Bạn có thể tham khảo về hành trình của mình trong post Medium mình viết năm 2023 này: From MT to a Landing Role (in English)
Tất nhiên, khi nhìn lại thì giống như mình đã tính toán mọi thứ từ đầu - dù thực sự là nhiều yếu tố do may mắn (đúng người, đúng thời điểm, kết quả tốt hơn mong đợi). Nhưng nếu phải tóm lại, mình thấy nhân tố chính nằm ở: cách tiếp cận về mindset - môi trường tác động - các mối quan hệ bạn xây dựng - sự thấu hiểu về bản thân - cách suy nghĩ & các thói quen tốt cộng hưởng lại. Rất nhiều trong số các yếu tố đó xuất phát từ những định hướng khi mình được tiếp xúc với các anh chị, trong một môi trường cùng những người giỏi hơn mình suốt quá trình đại học.
Chỉ khi đi đúng hướng, thì dù lúc đi trên đường mọi thứ có thể bị xáo trộn, bạn cũng sẽ tìm được tới đích.
Tự do và đánh đổi
Giá trị thứ hai mang tính ảnh hưởng tới lớn tới mình đó là tự do. Thực chất, có rất nhiều cách để định nghĩa sự tự do.
Nhưng đúng nhất với mình, qua lời của thầy Giản Tư Trung trên podcast của Vietcetera, tự do là khả năng bạn có thể làm một việc nào đó thông suốt với con người bạn là ai và cách bạn suy nghĩ.
True freedom lies in the ability to act in coherent with who you are and how you think.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc được sống một cách trung thực nhất với chính bản thân mình. Và quan trọng hơn, ngay từ đầu, mình phải chấp nhận đánh đổi để có sự tự do ấy.
Mình chưa bao giờ là một người giỏi trong những công việc đòi hỏi sự khéo léo ví dụ như làm mộc, nên mình cũng sẽ không đi làm nghề này. Quan trọng hơn, mình không phải sống mỗi ngày tỏ ra mình là một người giỏi ở mảng đó trong khi mình không phải.
Ngược lại, mình là một người thích làm những công việc liên quan tới kinh doanh, với thiên hướng lên kế hoạch chiến lược cho doanh nghiệp từ việc phân tích dữ liệu, đặc biệt khi nó liên quan trực tiếp tới mô hình kinh doanh của công ty. Công việc mình đang làm - Revenue Management, dù có phần mình thích và không thích, vẫn đem lại cho mình giá trị này.
Khi mình được làm công việc này đúng nghĩa (không tính việc đi xử lí những vấn đề con người hay làm những việc không tên - admin work) 8-10 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần - mình cảm thấy hài lòng với giá trị mình đạt được.
Đó không phải là một công việc lương cao, nếu so với các công ty khác hay ngành nghề khác, nhưng đủ để giúp mình xây dựng được một sự tự do tài chính nhất định. Mình có thể quyết định đổi công việc khi không còn phù hợp với ít bất an: mình không mang khoản nợ nào lớn, có một khoản tiển dự phòng đủ để nếu không đi làm vẫn có thể tự nuôi bản thân trong 5-6 tháng, có bảo hiểm phòng bị trường hợp mình gặp rủi ro liên quan tới sức khỏe.
Và quan trọng hơn, nó không chiếm trọn thời gian 1 ngày của mình. Mình vẫn có thể dành buổi tối hoặc những lúc công việc không quá căng để đi học thêm bên ngoài hay tìm hiểu về một chủ đề mình thích.
Trong năm 2023 mình vọc vạch khá nhiều về cách tự xây một con LLM chạy trên máy cá nhân (giống ChatGPT) và học cách sử dụng Stable Diffusion để tạo ảnh - tất cả trong 2-3 tiếng ngoài giờ làm việc. Mỗi buổi sáng nếu không có lịch họp, mình vẫn có thể dành ra 1 tiếng update email cá nhân, đọc những newsletter về startup, về công nghệ, về những thứ khiến mình tò mò trước khi bật công tắc tập trung vào công việc.
Đến tối, sau 6h mình có thể tắt công tắc ấy, đi siêu thị & tự nấu cho bản thân một bữa ăn tử tế, chơi game, đọc một cuốn sách. Tất nhiên không phải lúc nào mình cũng còn sức để làm những việc này, vì có những ngày mình chỉ muốn ngủ, nhưng luôn tốt hơn khi mình có lựa chọn.
Mình biết có những công việc sẽ phải đánh đổi thời gian dành cho bản thân trong một ngày. Nếu mình chọn ở một công ty khác, hoặc ở một vị trí khác, có thể mình kiếm được nhiều tiền hơn hiện tại, chức danh cũng có thể cao hơn. Nhưng nếu được chọn lại hay để lựa chọn vị trí mình muốn làm kế tiếp, mình vẫn sẽ không hi sinh đi những yếu tố này.
Tâm trí mình trở nên tự do hơn khi được làm thứ mình thích, và sống đúng với con người của mình. Mình cũng không cần phải làm ai ấn tượng hoặc vì đồng tiền mà phải ép bản thân trở thành một người khác.
Bí quyết là phải chấp nhận đánh đổi - và biết thế nào là đủ đối với bản thân. Định nghĩa này sẽ không có một chuẩn chung cho tất cả mọi người, vì nếu đánh giá khách quan - mình thuộc nhóm có tham vọng hơn trung bình. Nhưng ít nhiều bạn nên hình thành những giới hạn (boundary) cho bản thân để biết khi nào mình nên đi tiếp, và khi nào nên dừng lại.
Và còn nhiều hơn thế nữa
Mình đưa ra hai giá trị rất quan trọng đối với mình để bạn có thể hình dung mục tiêu của bài tập này. Bởi vì xác định rất rõ phần giá trị này cũng chính là nền móng để đặt ra những mục tiêu phù hợp với chính bản thân bạn và trung thực với con người bạn là ai. Việc hiểu bản thân là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn đạt được bất kì điều gì — và mình sẽ tiếp tục nhấn mạnh nó xuyên suốt bài viết này.
Để có tác động mạnh hơn, bạn có thể thử viết những giá trị bạn tin tưởng ra giấy, hoặc bất kì một nền tảng nào có thể lưu trữ lại được. Nó như một bản tuyên ngôn cho cá nhân vậy. Bạn có thể đọc nó mỗi khi bạn cảm thấy lạc lối, thất vọng, chán nản.
Vì người duy nhất biết cần phải làm gì ngay lúc đó, là chính bạn mà thôi.
Từ 2023 mình cũng đã lập một bản tuyên ngôn cho bản thân dựa trên những nguyên tắc và giá trị mình tin tưởng, bạn có thể tham khảo trong post Medium: The Manifesto (in English)
Mục tiêu và các khía cạnh cuộc đời
Bước thứ hai để biến cái bạn muốn thành hiện thực đó là xác định rõ ràng đích đến của bạn là gì. Mình sẽ không nói về cách bạn phải đặt mục tiêu như thế nào là hiệu quả như là dùng S.M.A.R.T; cái mình muốn nói nhiều hơn là giữa vô vàn mục tiêu và kì vọng - làm thế nào để có mục tiêu phù hợp với con người bạn?
Theo mình con người có 3 loại tài sản, bên cạnh vật chất thì đó là sức khoẻ (thể chất & tinh thần) và thời gian. Một cuộc sống tự do là có thể cân bằng các yếu tố để tối ưu về ba loại tài sản ấy, mà vẫn không phải hi sinh đi sự tự do của mình.
Cụ thể hơn thì đó là các khía cạnh về:
Sức khỏe và tinh thần
Tài chính
Sự nghiệp và kĩ năng
Sự thỏa mãn khát vọng cá nhân (self-fulfillment)
Có một điều mình nhận ra, là dẫu cho mục tiêu cụ thể của mỗi người có thể muôn hình vạn trạng khác nhau, tất cả các yếu tố này lại một lần nữa có sự ràng buộc lẫn nhau, bạn không thể đạt được cái này nếu thiếu cái kia.
Muốn kiếm được đủ tiền để mua nhà cho mẹ trước năm 30 tuổi (yếu tố số 2) cần tăng mức lương kiếm được lên 50 triệu/tháng - là mức lương ở vị trí quản lí tại công ty (yếu tố số 3)
Và dĩ nhiên, bạn cũng phải đánh đổi để đạt được cái mình muốn tuỳ theo mức độ ưu tiên.
Vậy bài toán đặt ra ở đây không phải là việc bạn lựa chọn giữa các yếu tố này, mà làm thế nào để biết cái nào mới đúng với giá trị cốt lõi và thời điểm (timing), và từ đó hình thành thứ tự ưu tiên ra làm sao, cũng như những đánh đổi để đạt được điều ấy.
Đúng với giá trị cốt lõi và thời điểm
Việc mình sắp xếp thứ tự như trên dựa vào mức độ quan trọng của những yếu tố này trong thế giới quan của mình.
Mình thêm yếu tố số 4 , dù nó không phải là một phần hữu hình trong cuộc sống, vì mình nghĩ các mục tiêu đều xuất phát từ cái tâm - giá trị cốt lõi của bản thân trước hết.
Kết quả của các mục tiêu có thể là hướng ngoại (external), nhưng ít nhiều nó cũng có phần thoả mãn là cái tôi (internal).
Và dù yếu tố số 4 phần nào đó sẽ có ở tất cả các mục tiêu, mình vẫn xếp nó cuối cùng - vì nếu xét về mức độ ưu tiên, đây là thứ bạn cần để ý (aware) về sự tồn tại của nó và mục tiêu bạn đặt ra có trùng hướng với đó không; nhưng không nhất thiết phải tập trung vì nó sẽ là hệ quả của việc đạt được mục tiêu nếu đã xác định đúng.
Quay lại ví dụ mình nếu bên trên về việc mua nhà cho mẹ, giá trị cốt lõi thúc đẩy yếu tố đó là việc muốn báo hiếu với cha mẹ (yếu tố số 4) và thời điểm (mẹ tuổi cao, và hiện tại mẹ chưa có một chỗ ở lâu dài phù hợp).
Mình không biết là việc có nhà có phải là yếu tố ưu tiên của mẹ hay không, nhưng trước hết là mình cảm thấy an tâm nếu đạt được - và cái đó là dành riêng cho mình.
Nhìn chung, để lên kế hoạch cho từng khía cạnh cuộc đời, bạn phải trả lời câu hỏi:
Trước hết là tại sao? Đạt được nó thì tương ứng với khía cạnh nào cuộc đời & thoả mãn được core values nào của bạn? (cách xác định mình đã đề cập trong phần trước)
Bạn cần tập trung cho mục tiêu đó tới đâu trong thời điểm đặt ra (timing)?
Và tự thú nhận (claim) về mức độ ưu tiên của nó là một chuyện, nhưng bạn có thật sự tin và làm theo hay không thì chỉ có thời gian và sự tự suy ngẫm (reflection) mới có thể trả lời được.
Đó là lí do mình nghĩ thời gian và trải nghiệm là hai đồng minh lớn nhất của bạn khi nói tới việc đạt tới những cái bạn mong muốn. “Già đời” là khi bạn biết đặt những mục tiêu phù hợp, và biết buông bỏ đúng lúc.
Nói thật là mình cũng không giỏi lắm chuyện buông bỏ, vì điển hình của một người có phần tham vọng là nghĩ cái gì mình cùng có thể đạt được.
Có những bài học bản thân mình đã phải nếm trải khi muốn quá nhiều thứ một lúc - và điều đáng sợ nhất là sự hối hận.
Nếu những mục tiêu chệch hướng so với giá trị cốt lõi, cảm giác nuối tiếc và mạo danh (imposter) sẽ tìm đến bạn - có thể không phải ngay năm ấy hay một vài năm sau - mà nó sẽ theo bạn tới tận cùng, thường là lúc bạn đang ở dưới đáy sâu.
Mỗi người có thể mỗi khác. Và mục tiêu mỗi thời điểm có thể mỗi khác.
Nhưng bạn cần bám vào giá trị cốt lõi đã khiến bạn bắt đầu - mục tiêu ấy có còn đúng với những gì bạn tin tưởng hay không?
Thứ tự ưu tiên
Mình thấy một điều rất nổi bật ở Việt Nam. là văn hoá “hustle” (thay vì làm 8 tiếng một ngày, một người trẻ sẽ chọn/phải làm 10+ tiếng hoặc hơn; thay vì làm 1 công việc, sẽ là nhiều công việc cùng lúc song song với công việc chính).
Điều ngược lại mình được chứng kiến ở New Zealand khi làm ở đây nửa năm, tầm 4-5 giờ chiều rất hiếm khi bạn thấy còn lại người trong văn phòng. Mọi người thường chỉ tập trung làm vào một công việc chính - hết ngày và cuối tuần họ về với gia đình, đi du lịch chứ hiếm có chuyện làm thêm giờ (nếu có cũng sẽ bù ngay bằng ngày nghỉ ở trong tuần).
Mình có viết thêm về cuộc sống đi làm ở New Zealand trong bài post này: Living and Working in Auckland
Đây cũng chính là một ví dụ việc bạn ưu tiên một yếu tố hơn tất cả những thứ còn lại. Cái gì sẽ là lâu bền hơn - xây dựng thật nhiều tài sản và sự nghiệp trong một thời gian ngắn để sau này dựa đó để bù đắp những yếu tố còn lại hay đạt cân bằng giữa những cái hiện đang có?
Thật ra lật ngược lại câu hỏi, và câu này đối với mình là hữu dụng hơn:
Bạn có thể hình dung bản thân mình sống với lựa chọn này với ít nhất nuối tiếc (regrets) trong lâu dài hay không?
Nói đi nói lại thì chẳng có câu trả lời nào là đúng tuyệt đối, nhưng ít nhất trước khi trả lời thì bạn có thể đưa nó vào một khung đánh giá - giữa các yếu tố tương quan giữa giá trị, quy mô của mục tiêu cuối cùng bạn muốn đạt được và hoàn cảnh (context) tại thời điểm bạn đưa ra lựa chọn. Đâu đấy thì giao điểm là điểm nằm giữa biểu đồ Venn bên dưới.
Lí thuyết thì là vậy, nhưng thực tế khó hơn nhiều. Thường có 2 xu hướng mình hay mắc phải ở phần này:
Hơi tự tin quá vào khả năng của bản thân khi làm một cái gì đó mới (hay đánh giá thấp mức độ khó của việc bắt đầu làm một điều gì mới)
Coi rằng những thứ mình đã lên kế hoạch sẽ không thay đổi - và thứ tự của những ưu tiên trong thời gian đó vẫn sẽ luôn như vậy
Đầu năm 2024, mình chuyển vào Sài Gòn với tham vọng lớn - vừa đạt giải từ một cuộc thi sinh viên, và nhận được một công việc tốt trong chương trình Management Trainee của công ty H. Lúc ấy trong đầu mình chỉ là - phải học thật nhiều, phải được đánh giá cao nhất trong phòng ban đầu tiên, mục tiêu là kết thúc chương trình ở vị trí Manager nhanh nhất có thể, miễn có phải đánh đổi những yếu tố khác.
Tuy nhiên, điều đó không phải là dễ, khi trải nghiệm đầu tiên của mình với công ty khá tệ. Mình gặp một người sếp không tốt, công việc khó hơn mình nghĩ, và đã suýt nghỉ việc. Việc lựa chọn yếu tố thăng tiến hơn tất cả, đã khiến mình đánh đổi nhiều về sức khoẻ và niềm vui, động lực của mình khi đi làm. Cứ trước đêm mỗi ngày đi làm, mình lại phải tự hỏi bản thân - liệu có đáng không?
Tất cả điều ấy đã thay đổi sau khi tiêm vắc-xin COVID, mình mắc phải căn bệnh viêm tuỷ, gần như trong một khoảng thời gian đã lấy đi khả năng đi lại của mình. Mình vẫn nhớ cảm giác một mình chạy giữa đường phố lockdown của Sài Gòn để đi khám bệnh, và khoảnh khắc phải ngồi trên xe lăn vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Khi ấy chẳng có cái ưu tiên nào còn quan trọng bằng sức khoẻ và sự bình yên (well-being) của mình.
Trong một tuần nằm ở bệnh viện, mình dần nhận ra rằng thứ gì mới thật sự là ưu tiên nhất đối với mình. Rõ ràng rằng, khi đối diện với viễn cảnh có thể không thể đi lại như bình thường suốt cuộc đời còn lại, mình chợt nhận ra một cuộc sống mình muốn đạt được trọn vẹn từ những trải nghiệm (adventure), và một công việc cho mình cảm thấy vui (enjoy) và được phát triển (growth) mỗi ngày khi làm nó. Và khi ấy, mình chấp nhận rằng thế giới quan của mình đã một lần nữa thay đổi.
Sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với mình nếu đạt được chức này kia, có được tài sản này kia, nếu như mình mất đi thứ khiến mình được làm chính mình.
Từ năm 2022-2024, những mục tiêu của mình đặt ra đều dựa trên những ưu tiên đó. Mình dần không quá tập trung vào chuyện mình có được lên Manager hay không, thay vào đó mình đo lường sự phát triển của mình bằng những trải nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm trong những reflection của mình trên hành trình này. Growth là một thứ xa xỉ mình sẽ không đánh đổi trong những năm tuổi hai mươi. Dù cho đó là growth về mặt skills, network hay các mối quan hệ trong ngành công nghệ (mục tiêu mình hướng tới lâu dài).
Từ đó mình cũng rõ ràng về con đường mình đã chọn hơn lúc trước rất nhiều.
Xác định phương hướng
Trước khi bắt đầu vào phần này thì mình nghĩ nên nói về chuyện đặt kì vọng đúng:
Trong quá trình bạn bắt đầu làm và đi trên con đường bạn chọn - dù cho bạn đã có lên kế hoạch và chuẩn bị kĩ đến đâu, bạn sẽ sai, bạn sẽ lạc lối, bạn sẽ thất vọng.
Đừng lo, vì ai cũng vậy hết thôi à.
Dunning-Kruger Effect (ai rồi cũng sẽ trải qua đáy của tuyệt vọng)
Khi đã xác định được mindset ấy thì cần nhận ra rằng có rất nhiều phương pháp khác nhau để định hình bạn đang ở đâu, và mỗi người sẽ có một cách tiếp cận để hiệu quả nhất với bản thân.
Riêng đối với mình, một vấn đề lớn mình gặp phải khi cố gắng áp dụng các mô hình (framework) phổ biến như “4DX principles (Franklin Covey)”, khi mình có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn, là làm sao để kết nối lại tất cả những mục tiêu, và hành trình (progress) tính tới thời điểm đó, có đang đúng với những mốc ưu tiên, và yêu cầu tại giai đoạn đó của cuộc đời hay không.
Bởi vì ở mỗi một giai đoạn, có quá nhiều thứ xuất hiện, các trào lưu mới: “Tiktok & Livestreaming”, “Social Ecommerce”, “AI/LLM”, “Big Data Mining”, “Decentralized Apps” etc…. Và cứ mỗi khi một thứ mới xuất hiện, mục tiêu của mình lại bị cuốn vào những vòng xoáy đó.
Cái gì mới nổi mình cũng muốn chạy theo nó, thì đến cuối ngày, đâu mới là giá trị cốt lõi mình cần phải đạt được?
Đó là cho tới khi mình đọc được concept về “Pace Layering” trong một bài blog của Packy McCormick.
From the fastest layers to the slowest layers in the system, the relationship can be described as follows:
Fast learns, slow remembers. Fast proposes, slow disposes. Fast is discontinuous, slow is continuous. Fast and small instructs slow and big by accrued innovation and by occasional revolution. Slow and big controls small and fast by constraint and constancy. Fast gets all our attention, slow has all the power.
…
The core concept – that things have different layers which move at different paces – scales up and down beautifully.
Packy McCormick - Pace Yourself
Đại ý là, mọi hệ thống phức tạp, từ công nghệ cho tới các nền văn mình thế giới, đều hoạt động dựa trên các lớp yếu tố căn bản cấu thành (layers) - với lớp bên ngoài thích ứng nhanh nhất với thay đổi, và từ từ chậm hơn khi tiến dần vào trong lõi.
Những thay đổi cốt lõi chỉ xảy ra khi đã tích tụ đủ những thay đổi từ lớp bên ngoài - một quá trình diễn ra liên tục, từ từ trong một khoảng thời gian dài.
Điều cốt lõi là mọi thứ đều vận động ở các vận tốc khác nhau, trong từng tầng khác nhau. Mức độ ảnh hưởng theo đó mà ra, cái gì càng tốn thời gian, thay đổi càng chậm sẽ có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Áp dụng lí thuyết “Pace Layer” này vào cuộc đời, trước hết là mình hiểu được rằng, mọi phương hướng đều bắt đầu từ một nền tảng kiến thức và niềm tin vững chắc (core values). Những yếu tố: công việc, bối cảnh kinh tế, môi trường sống,… - nằm ở lớp ngoài, là những thứ di chuyển nhanh, có khi dồn dập với các thông tin, biến động, sự kiện chồng chéo lên nhau.
Không phải bất cứ thay đổi gì từ lớp ngoài cũng sẽ có thể neo lại thành một phần của lớp cốt lõi. Khi trải qua cuộc đời, mỗi người sẽ có thêm các lớp kiến thức và niềm tin, để lọc dần các tạp âm, và đọng lại những giá trị chất lượng.
Điều ấy không đồng nghĩa là mình bỏ đi tầm quan trọng của việc tiếp nhận những thứ mới; nhưng cần phải học cách chấp nhận rằng sẽ có những thứ không phù hợp, hoặc không đọng lại trong bạn. Và điều đó là bình thường.
Quan trọng hơn, khi mình nhận thức được việc những luồng thông tin bên ngoài có thể đến và đi, mình sẽ học được cách bớt giao động trước những biến động. Khi một thứ mới xuất hiện, được đặt vào bối cảnh bức tranh lớn cuộc đời, bạn có thể tận hưởng nó nhiều hơn, khi biết rằng mảnh ghép đó sẽ khớp vào đâu.
Và thậm chí là thấy hào hứng khi nó làm bạn lay động - bởi vì thay vì bị cuốn đi, bạn nhận ra được nó đang tác động như thế nào đến nội tâm bạn.
Thật sự là để thay đổi niềm tin được xác định rõ ràng của một người là một thử thách khó, nên nếu nó xảy ra, có thể là bạn đang có một trải nghiệm đổi đời đó ;)
Một ví dụ là làn sóng bất an rằng AI sẽ thay thế công việc của con người. Thú thực, khi sử dụng AI giúp mình làm việc hiệu quả và học nhanh hơn. Từ hồi xuất hiện tính năng “Suggestions” trên PowerBI, công việc phân tích của mình hiệu quả hơn gấp 2-3 lần. Vì mình chẳng cần phải nhớ những công thức DAX (ngôn ngữ code) dài dặc, hay phải đi học một lớp chuyên sâu riêng về chủ đề này tốn vài triệu đồng và hàng chục giờ học; hay để viết một công thức VBA tự động tạo template trên Excel, mình hoàn toàn có thể hỏi AI cách viết và tự mò mẫm trong một buổi chiều. Chẳng bao giờ việc học lại nhanh và được cá nhân hoá tốt như bây giờ.
Source: Microsoft
Giống như khi máy móc và rô bốt xuất hiện, cũng có những công việc tay chân bị thay thế, chỉ khác là ở đây là điều đó đang diễn ra với những lao động trí tuệ thủ công: làm báo cáo, nhập liệu sổ sách, etc. Nhưng điều đó đồng nghĩa rằng những công việc đòi hỏi nhiều về tư duy phức tạp, sáng tạo, trừu tượng hơn sẽ được mở ra. AI là công cụ đắc lực chứ không phải là đích đến - tự động hoá mọi thứ. Một người không biết gì về lập trình cũng có thể làm app, một người không biết vẽ cũng có thể làm hoạ sĩ điện tử….
Trong tương lai, dù có phát triển tới gì đi nữa, mình vẫn tin rằng AI không thể thay thế bộ óc giải quyết vấn đề (problem-solving) của con người trước những vấn đề phức tạp, và không có đáp án rõ ràng. Nếu như giá trị cốt lõi mình coi trọng nằm ở việc tích luỹ những trải nghiệm để có được chiều sâu trong suy ngẫm - thì mình chưa biết tới loại máy học nào có thể linh hoạt thích ứng như bộ não con người.
Vì khi có những thứ nằm ngoài dữ liệu đẹp đẽ, chuẩn hoá xảy ra - việc duy nhất bạn có thể làm là xắn tay áo lên và thử, dám chấp nhận sai và làm lại.
Hỏi ChatGPT một thứ nó không biết, khả năng cao nó sẽ hoang tưởng (hallucinate) ra một đáp án nghe gần đúng nhưng thực ra lại không có thật. Hỏi mình một thứ làm mình đủ hiếu kỳ, mình sẽ tìm cách để ra được đáp án thì thôi.
Việc bị lạc trong nỗi sợ hãi khi thay đổi tới chỉ xảy ra khi bản thân chưa đặt những giá trị cốt lõi làm “layer” trọng tâm - hay nói đúng hơn là khi đang đặt những yếu tố thuộc ngoại cảnh - đáng lí phải ở lớp ngoài cùng, để làm mỏ neo cuộc đời.
They don’t get swept up in the new thing, but they don’t dismiss it, either, and they certainly aren’t scared by it. By building a firm base of old ideas, they seem to enjoy new things and ideas even more, because they see where they fit in the bigger picture and realize how hard it is for a new thing to shake the old things up.
….
More generally, thinking in pace layers helps embrace variance and novelty at the top layer – the more crazy experiments the better!
Packy McCormick - Pace Yourself
Hiểu được điều này thì cũng sẽ hiểu được:
Mọi thứ cần xuất phát với điểm neo từ “core values”. Understand self first.
Có thời gian và thời điểm thích hợp cho mọi sự thay đổi - nó là quá trình chứ không phải đích đến. Be patient.
Không phải sự thay đổi nào cũng diễn ra với tốc độ như nhau, có mức độ ảnh hưởng bằng nhau. Cuộc sống sẽ có chu kỳ. Life exists in phases.
Những điều ấy cũng đồng nghĩa khi sắp xếp lại các nhóm mục tiêu trong cuộc đời, tùy từng mốc thời gian mà sẽ có cái tại từng thời điểm là phù hợp hơn - vì nó đã tích luỹ đủ để đi nhanh hơn.
Mình mới ở tuổi 25 nên mình không có góc nhìn chuyên sâu (insight) vào cả một chặng đời người, nhưng từ những gì mình đúc kết từ các thế hệ đi trước và trải nghiệm của bản thân thì:
Việc bạn ép bản thân phải đạt được những thứ người khác đạt được tại cùng một thời điểm là bạn đang ép bản thân phải sống theo chu kỳ của người khác.
Cái gì đúng với người ta, chưa chắc là đã phù hợp với mình.
Chọn đúng thứ để tập trung đúng lúc, thì bạn còn đi xa và nhanh hơn rất nhiều.
Mình đã đề cập về câu chuyện bối cảnh và thời điểm trong phần trên khi xác định thứ tự ưu tiên trong mục tiêu cuộc đời. Bây giờ nhìn rộng ra hơn đó là xác định từng cột mốc cuộc đời cái gì sẽ là nhóm ưu tiên.
Để tạo ra lực đẩy lớn từ bên ngoài, từ đó thúc đẩy sự thay đổi bền vững bên trong, mình lấy học và trải nghiệm là điểm tựa đòn bẩy. Tiến vào sâu một layer, đó là nền tảng các yếu tố trọng tâm (foundations/fundamentals) bao gồm các khía cạnh cuộc đời cần tập trung như mình đã nêu ở phần trước. Cuối cùng là layer về xây dựng những di sản (legacy) mình muốn để lại.
Phân đoạn của cuộc đời mình trong hành trình 10 năm có thể được gói gọn lại là:
2021–2023: Learning / Experimentation
2024–2025: Build Great Foundations
2026–2030: Build Great Things (Legacy)
Second phase is to build great foundations. I believe by starting with the basics right. — the core block of: Health, Career Skillset, Relationship & Self-fulfillment. In each of. the core blocks are further embedded by the right capabilities & mindset built throughout the journey. The outcomes are measured by my capabilities to perform & deliver on projects & the ability to drive desirable results.
Trích từ Pace Layer (2024 reflection)
Mục tiêu đạt được ở mỗi chặng sẽ rất khác nhau tuỳ vào ưu tiên đặt ra trong chặng đó. Ví dụ như suốt 3 năm kể từ khi ra trường, tất cả những điểm mình tập trung vào là kiếm một môi trường tốt để học, thử và trải nghiệm.
Có nhiều điểm mình sai, mình cảm thấy lạc lối hay không rõ ràng trong sự nghiệp - nhưng mà nhìn lại cũng chẳng sao, vì mục tiêu cuối cùng của giai đoạn này không phải là làm đúng mọi thứ.
Sau mấy năm đi làm, mình trả lời được - cái mình thích, cái mình không thích là gì. Việc nào mình có điểm mạnh và khiến mình hứng thú, thứ gì mình biết nếu tập trung làm thì mình có thể đi xa và đi nhanh hơn.
Có được cái đó trong tay mình mới có thể khẳng định được về con đường mình cần đi theo là gì, và đi tới bao xa.
Tiếp đến là giai đoạn xây dựng nền tảng (fundamentals), thì lấy ví dụ giống như học toán bạn cần biết đến: bảng số, phép tính, quy tắc số học, etc. làm cái căn bản. Từ đó, điểm đẹp đẽ nhất của toán học là những chủ đề phức tạp hơn như toán ứng dụng, toán cao cấp đều có phương trình tối giản dựa trên những nền móng cơ bản này. Dù có khó tới đâu, phương trình nào cũng sẽ có cách để đơn giản hoá.
Cuộc đời mình nghĩ về bản chất cũng giống vậy, khi tách thành các khía cạnh cuộc đời và các lớp “Pace Layer” - bạn cũng đang thực hiện phép tối giản về căn bản.
Và khi tiếp tục đào sâu vào các lớp, bạn sẽ thấy cái cần tập trung ở từng khía cạnh cuộc đời rõ ràng hơn, với thứ tự cần ưu tiên dựa trên mục tiêu tại cùng thời điểm để có được fundamentals.
Muốn trở thành một Data Analyst thì trước tiên cần có mindset tiếp cận và xử lý data, biết cách đặt giả thiết, biết cách kể chuyện về data (storytelling), biết cách làm sạch dữ liệu, biết sử dụng các công cụ trực quan (visualize) thành biểu đồ….
Viết như vậy không có nghĩa là trong từng giai đoạn thì bạn chỉ được phép làm một thứ. Thực chất, lúc nào cũng sẽ có sự vận động song song giữa tất cả các lớp. Chỉ là trong từng giai đoạn, bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi để giữ lại cái ưu tiên phù hợp, dựa trên hoàn cảnh và thứ tự đặt ra lúc ấy.
Và cuối cùng thì hành trình nào bạn cũng phải nhìn thấy đích đến - hoặc ít nhất hướng bạn đang nhắm tới là gì. “To begin with an end in mind” - hãy bắt đầu bằng việc hình dung thứ giá trị bạn muốn để lại qua những công việc bạn làm, những mục tiêu bạn đề ra cho chính cuộc đời mình.
Hồi 2020, mình may mắn tìm hiểu được về một blog hướng nghiệp có tên “80,000 hours”. Ý tưởng là: cuộc đời của mỗi người sẽ dành ra khoảng 80,000 giờ để làm việc và xây dựng sự nghiệp, thì bạn sẽ muốn đạt điều gì trong khoảng thời gian đó?
Họ đặt ra một bài toán về sự cộng sinh hiệu quả “effective altruism”, dựa trên giả định rằng mục tiêu mỗi cá nhân cần hướng tới, là đem lại nhiều giá trị tích cực một cách hiệu quả nhất - là có tác động lớn nhất, dựa trên hoàn cảnh và năng lực của bạn - tới cộng đồng và thế hệ sau.
Bạn có thể làm theo cách bạn muốn, dựa trên khả năng phù hợp của bạn, miễn là nó hướng tới những giá trị vững bền cho xã hội - bắt đầu với việc giải quyết những vấn đề cấp bách trong hiện tại: an toàn lương thực, giảm tỉ lệ nghèo, năng lượng sạch, đạo đức AI…. Khi bạn tập trung vào một mục đích cụ thể nào đó, là bạn có thể bắt đầu đóng góp; và bạn sẽ sẽ tìm thấy được niềm tin trong điều bạn làm, khi đồng hành cũng những người chung chí hướng (sense of purpose).
Nếu muốn đọc thêm về định hướng nghề nghiệp dựa trên giá trị của “effective altruism” bạn có thể tham khảo tại blog https://80000hours.org
Thực ra không phải ai sống cũng cần một mục tiêu vĩ đại vì xã hội, hay xây dựng một sự nghiệp lớn - có thể bạn chỉ muốn sống trọn vẹn cuộc sống của mình, được ở bên cạnh người thân và những người bạn yêu thương. Và mình tôn trọng điều ấy, khi bạn biết rõ bạn đang hướng tới điều gì với cuộc sống của bản thân.
Con người phát triển tới ngày hôm nay dựa trên văn hoá cộng đồng. Dù có nằm ở trường phái nào - mình nghĩ rằng mỗi khi lạc lối, nếu nhìn lại những giá trị cốt lõi bạn coi trọng - thì bạn cũng sẽ tìm được cộng đồng của mình để cùng đi tiếp trên con đường ấy, và đưa bạn trở lại đúng hướng.
Miễn là đừng làm điều xấu, đến tối vẫn có thể ngủ ngon với một lương tâm trong sạch, mình nghĩ đích đến đến nào cũng đáng để trân trọng.
Mọi điểm đến bắt đầu với một hướng đi, và bước theo nó tới cùng.
Thói quen và hành động
Viết tới đây, mình mới nhận ra là các ý trong bài bắt đầu có xu hướng lặp lại. Theo ngôn ngữ xác suất thống kê thì mọi phân bổ (distribution) dù có nhiều điểm cá biệt (outliers) thì cũng có xu hướng bình thường hoá (normalization) khi xét trên trung bình, và khi trải qua một quá trình đủ dài với lượng mẫu (sample) đủ lớn.
Nói vui vui thì giống dù biết bản thân hay bày đặt triết lí, nhưng thật sự cũng không biết làm cách nào khác… Vì có những thứ, ít nhất tới thời điểm này, đã hằn vào mình đủ sâu để thành một lẽ sống.
Cuộc đời là một đường chạy marathon chứ không phải là chạy nước rút.
Biểu đồ J curve (Wikipedia)
Phát triển là một đường cong không bằng phẳng
Một trong những lẽ sống ấy chính là niềm tin mãnh liệt của mình vào đường “J curve”. Rằng trong cuộc sống không có sự phát triển theo đường thằng (linear) - mọi thứ đều có điểm thay đổi (inflection) khi đã có sự tích luỹ đủ từ những giai đoạn trước đó.
Khi ấy sức mạnh của “J curve” là sự tăng tiến theo cấp số nhân (exponential). Giống như khi bạn phóng một quả tên lửa, lực đẩy và quãng đường bay sẽ luỹ tiến khi càng gần đạt tới vận tốc thoát ly (escape velocity) để thoát khỏi tầng sinh quyển của Trái Đất.
Đối với công việc và cuộc sống, khi chia thành từng giai đoạn - về bản chất sẽ là tích luỹ, đạt tới điểm chững (inflection point) và vượt lên phát triển - sẽ cứ thế lặp đi lặp lại từng chu kì.
Giống như quãng đường đi làm: khi mới ra trường, mục tiêu quan trọng nhất là tích luỹ các yếu tố căn bản, rồi mới tới về tiền lương, và chức bậc. Bởi vì theo thứ tự này, hai yếu tố sau là thành quả của sự tích luỹ từ cái đi trước.
Lấy từ thực tế, mình từng biết 2 trường hợp cùng làm trong Marketing, một người với khoảng 6-7 năm kinh nghiệm nhưng hầu hết phạm vi công việc (scope) chỉ làm Assistant Brand Manager (ABM); rồi ở nguyên trong vị trí đó trong từng đấy năm trước khi được thăng chức. Theo như chia sẻ với mình, mình thấy anh cũng là một người tham vọng, tuy nhiên năng lực không nổi trội, và khi nói chuyện khó thấy được điểm nổi bật so với những người đồng chức.
Cùng lúc đó, người còn lại gia nhập công ty chỉ khoảng 4 năm, tuy có thời gian làm ABM tương tự như vậy nhưng thực tế công việc lúc nào cũng phải gánh nhiều hơn, thậm chí rất nhiều lúc phải làm vượt scope công ty yêu cầu. Thành quả, chị là một trong những trường hợp thăng tiến nhanh nhất mà mình từng biết. Hiện tại mức lương chị ngang quản lí cấp cao trong một tập đoàn lớn, thăng tiến nhanh hơn rất nhiều so với số đông.
Một người anh khác - từng làm chung phòng ban với mình đi làm trong 10 năm ở các doanh nghiệp MNCs, với kinh nghiệm đủ trải dài từ các phòng ban từ Finance tới Commercial. Sau đó anh quyết định ra làm riêng một startup về công nghệ, và từ những kiến thức anh học được hồi đi làm, anh tự xây dựng tổ chức doanh nghiệp, tự xây dựng các báo cáo trên PowerBI - biết cần tối ưu chỉ số nào, làm ra sao. Kết quả là giờ công ty anh tăng trưởng rất nhanh trong 2 năm rồi, và mức thu nhập của anh cũng tăng gấp vài lần chỉ sau hai năm.
Và một câu chuyện cuối cùng, của một người anh mình từng làm cùng ở công ty cũ, có 5 năm chỉ tập trung làm trong mảng Data Analytics & Strategy ở vị trí Analyst rồi sau đó là Specialist. Anh là một trong những người chuyên môn cứng nhất trong mảng này mà mình biết, và đó cùng là điều anh cực kì tự tin mỗi khi cần phải nói về điểm mạnh của bản thân. Khi có cái nền tảng ấy, sau khi anh quyết định ra ngoài và thử làm một vị trí liên quan tới quản lí ở công ty công nghệ - cũng với cơ duyên là anh học khá nhanh - chỉ trong vòng 2 năm, anh liên tục lên những vị trí rất cao trong công ty công nghệ đó và sau đó là Head of Product & Data của một ngân hàng lớn tại Việt Nam.
Mình kể các câu chuyện này không phải nói về các mốc thời gian để thành công, hay để nói rằng một người thành công thì bắt buộc đều phải đi theo các mốc như vậy. Thành công chưa bao giờ có một con đường là định sẵn cho tất cả mọi người.
Điểm chung của các trường hợp trên là họ đều có sự tập trung tích luỹ và phát triển dựa trên mục tiêu họ đặt ra, với một mindset cầu tiến, kĩ năng chuyên môn tốt (dù là chiều dọc hay chiều ngang). Đến khi có cơ hội xuất hiện, họ có đủ khả năng nắm bắt, và từ đó bứt tốc rất nhanh trong thời gian ngắn chứ không đi theo chu kì thường thấy là cứ vài năm lên một chức bậc, hay lương tháng tăng đều đặn theo năm.
Tất nhiên là bỏ qua các yếu tố ngoại sinh như con ông cháu cha hay cực kì may mắn, mình nghĩ có 4 loại yếu tố chính cần để thành công trong công việc: thái độ, kĩ năng, mối quan hệ, và thương hiệu cá nhân (personal branding). Những thứ này không phải xây trong ngày một ngày hai là có được.
Nhất là khi nói về personal branding, nó là thứ bạn xây nên và đi theo suốt cả sự nghiệp.
Có một người anh mentor của mình - hiện đang là Director ở 1 công ty lớn, từng dành hơn 10 năm chỉ làm Sale Supervisor nhưng xây dựng được personal branding có tiếng trong ngành FMCG Beverage - đã nói với mình rằng:
“Khi xây dựng sự nghiệp thì về bản chất em đang xây dựng personal branding. Vì khi em đủ giỏi, và có branding tốt, thì các công ty và vị trí tốt cũng sẽ tự tìm đến em.
Lúc bản thân mình đã có giá trị, mình không cần sợ ngoại cảnh có thay đổi thế nào nữa.”
Anh từng được đích thân tổng giám đốc (GM) mời gặp riêng để cố gắng giữ lại khi anh có quyết định rời công ty. Mình nghĩ đó chính là lời khẳng định tốt nhất tới giá trị của anh đã xây dựng trong những năm tháng cống hiến, dù có ở vị trí nào.
Giống như sếp trực tiếp mình từng nói với mình - khi đi làm thì cống hiến hết mình với cái tâm, và khi đi thì khiến người ta nuối tiếc vì không thể lấy hết được cái chất xám nằm trong đầu của mình.
Nước rút hay là chạy marathon
Mình vẫn còn nhớ như in một câu nói trong podcast của Unlock FM, tập với anh. Đặng Việt Dũng (rất đáng nghe - nói nhiều chủ đề về cách sống, khởi nghiệp và công nghệ với những chia sẻ rất thật). Đại ý là khi mình càng lớn, và càng trưởng. thành hơn thì “Your habits are who you are, actually” - “Thật sự thì thói quen bạn chính là con người bạn”.
Nghĩ theo một chiều hướng nào đó, bạn là ai ngày hôm này là quá trình chắt lọc của hàng chục năm, và xa hơn là cả trăm ngàn năm tiến hoá của con người.
Thế nên là khi định hình chiến lược cho cuộc đời, hạt nhân nhỏ nhất giúp bạn thành công cũng chính là những thói quen bạn xây dựng trong vài năm tới chục năm tới.
Dễ để nhận ra thói quen: khi bạn có làm một việc gì đó một các tự động (default) mà không cần quá mất nhiều công sức hay không?
Một vài thứ đơn giản để bắt đầu mà mình nghĩ không quá khó. Bạn có thể thử hỏi bản thân 1 vài câu hỏi:
Mình có một thứ gì đó mà khiến mình thực sự thích thú, đam mê khi làm nó không? Có thể không phải về công việc, một sở thích gì đó - ví dụ như mình thích đọc về startup và công nghệ
Bạn có đang tạo ra một môi trường cho bản thân để có thẻ thường xuyên tìm hiểu/ theo dõi/ thực hiện sở thích ấy không? - trong trường hợp của mình, đó là chọn một blogger mình thích, và tham gia newsletter của người đó mỗi khi có bài mới
Yếu tố cốt lõi ở đây mình nghĩ chính là môi trường, bởi vì để thay đổi bất kì hành động nào liên quan tới tiềm thức - đồng nghĩa bạn phải tiếp nhận nó một cách vô thức, thường là đến từ môi trường xung quanh.
Giống như bạn sẽ có động lực tập luyện hơn khi ở phòng tập, động lực làm việc hơn khi ở văn phòng hoặc không gian làm việc chung, cách tạo thói quen dễ nhất với mình là từ những thứ mình tiếp nhận đầu tiên mỗi ngày. Trong trường hợp của mình đó chính là email, vậy nên newsletter là hình thức phù hợp để mình để mình chủ động / hoặc thụ động hấp thụ các thông tin mình cần bổ sung trong một ngày.
Mình cũng thích xem YouTube, dặc biệt các dạng video essay dài từ 15’-20’ của các trang tin tức nước ngoài như CNBC, VOX, etc. về chủ đề liên quan tới kinh doanh, công nghệ hoặc về địa chính trị. Việc mình kết hợp tìm kiếm những kênh này song song với những kênh giải trí mình thường xem, đồng nghĩa mỗi khi mở kênh, sẽ có những video về chủ đề này được giới thiệu cho mình một cách tự động.
Tất nhiên mỗi người sẽ có một cách thức khác nhau. Và đối với những hình thái thói quen khó đạt được hơn, thường cần nhiều sự đầu tư chủ động về ý thức - ví dụ như việc đi bơi đều đặn vẫn là một việc mình gặp khó khăn - thì lúc này lại cần có một cộng đồng những người cùng chia sẻ mục tiêu đó, khiến cho việc thực hiện dễ dàng hơn.
Điều cuối cùng mình muốn các bạn rút ra từ phần này là chẳng có công thức nào chung về cách nào để xây dựng thói quen là tốt nhất. Ví dụ như việc học và tiếp nhận thông tin, mỗi người chúng ta sẽ có điểm mạnh/yếu và hứng thú với các dạng (format) khác nhau - không phải ai cũng chỉ lấy kiến thức từ việc đọc sách là một ví dụ, có rất nhiều nguồn để học từ đọc blog, trang tin tức, chia sẻ trên các mạng xã hội (và bạn cần biết tư duy phản biện để nhận ra cái gì đúng hay không).
Nên có thể bắt đầu từ thứ bạn thích, và thử nhiều cách khác nhau. Nếu nó không hợp thì thôi, thử cách khác.
Và nếu theo thời gian nó không còn phù hợp nữa, thì mình cũng chấp nhận buông bỏ để ưu tiên những thứ phù hợp hơn.
Hồi đi học đại học, mình rất tự hào vì một năm có thể đọc 34 quyển sách - và mình giữ thói quen như vậy trong suốt năm 2 và năm 3. Nhưng rồi tới năm cuối, khi bắt đầu đi làm, riêng việc đọc các tài liệu của công ty - nó làm mình quá tải với việc đọc. Cứ mỗi làn về nhà là mình rất mệt mỏi, và việc đọc thêm cái gì đó giống như cực hình đối với mình. Giai đoạn ấy, thứ giúp mình học nhiều hơn như mình nói ở trên chính là việc xem video và nghe podcast, vì mình có thể xem sau giờ làm, hoặc nghe trên tàu.
Vậy nên dù cho cách nào cũng được, miễn là nó phù hợp và bạn thích làm nó.
Biết dừng nghỉ để đi xa hơn
Không phải thói quen nào cũng tốt, và có một bí mật mình nhận ra rằng - trong quá trình để tạo ra một thói quen tốt, có thể bạn sẽ vô tình tạo ra một thói quen xấu để cân bằng lại. Nghe thì hơi buồn cười, nhưng khi bạn đang đúng hướng “on track” - thực ra cũng là lúc áp lực nhất.
Áp lực từ kì vọng (của bản thân và bên ngoài), áp lực từ nỗi sợ thất bại, áp lực từ việc phải duy trì cái tốc độ đó trong một thời gian dài.
Vậy thì thói quen xấu sinh ra thực chất chỉ là một cách cơ thể tự chống đỡ (self-defense mechanisms) trước những tác nhân gây áp lực này - ngay kể cả việc trở nên thiếu động lực (procrastination) - có thể là triệu chứng của một thứ tiềm ẩn sâu xa hơn: bạn đang không thoải mái với những thay đổi xảy ra hiện tại, hoặc sự trì trệ (intertia) do thiếu đi những tác nhân tác động khiến bạn cảm thấy hứng thú (engaged).
Điểm cân bằng nằm ở việc biết giới hạn của bản thân nằm ở đâu, và nói không với những thứ vượt ra ngoài khuôn khổ đó.
Nói thì dễ hơn làm, và tất nhiên là cũng có những lúc mình cảm thấy rất chán nản với việc phải gồng theo những thay đổi - đặc biệt là khi nó đến từ thay đổi môi trường làm việc hoặc môi trường sống.
Hồi ở New Zealand mình nhận lead một dự án mà scope rất lớn - trải dài 5 thành phố từ Bắc tới Nam, và yêu cầu mình phải di chuyển rất nhiều, đi ra ngoài thăm hàng quán (outlets) vào ban đêm khi họ bắt đầu đón khách.
Hầu hết là mình phải đi một mình, ở một đất nước lạ lẫm, kể cả văn hoá, lẫn con người, thời tiết - điều khiến mình rất mệt mỏi.
Và mình cũng nhiều khi nghĩ có cần thiết phải cố gắng tới như thể không? Những lúc ấy đồng mình lớn nhất của mình lại là thời gian - thời gian dành riêng cho bản thân, để cho bản thân được thở, để lắng nghe bản thân và biết được giới hạn của mình tới đâu, được dừng lại một chút để nghiền ngẫm và reflect trước khi bước tiếp.
Vận động viên chạy marathon vĩ đại nhất thì cũng có lúc cần nghỉ ngơi. Hành trình của bạn còn dài hơn thế rất nhiều, bạn đang chạy cho cả cuộc đời này mà.
Mỗi chấm là một hàng quán mình đã đi thăm, một trong số 11 khu phố mình cần làm khảo sát trong khoảng thời gian 2 tháng
Bài tiếp theo mình sẽ viết kĩ hơn về chủ để này → Đọc thêm tại đây nhé
Xong rồi, thì sao nữa
Đến cuối cùng thì chẳng có đúng và sai. Và tất cả chúng ta đều nhỏ bé trong vũ trụ rộng lớn.
Tiếng Anh có một từ là “sonder” (trích dẫn từ Seth Godin) - đại ý là khoảnh khắc khi chúng ta nhận ra bản thân nhỏ bé như thế nào trong cuộc đời này. Và cũng là lúc. chúng ta nhận ra mỗi cá thể trên hành tinh này đều tồn tại song song, đều có suy nghĩ, đều có thế giới quan riêng, không kém phần quan trọng. Những nhân tố ấy liên tục tác động lẫn nhau, và lên môi trường, những người xung quanh.
Mình thành ra mình của ngày hôm nay là hệ quả của một loạt các yếu tố tổng hoà từ những thứ mình nỗ lực đạt được, và những ngoại lực mang tính thời điểm, hoàn cảnh riêng.
Vậy là để nói dù cho có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ luôn có những thứ xảy ra từ thời ấu thơ, từ gia đình, từ môi trường ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách mình lớn và trưởng thành mà mình không kiểm soát được. Chưa kể đến những yếu tố cơ hội mà chẳng có cách nào tóm lại được bằng một từ “may” - it happens because it meant to happen.
Nếu cho mình làm lại, liệu mình có thể trở thành một Nguyên giống như bây giờ hay không? Chưa chắc, vì nếu như vũ trụ tung xúc xắc một cách khác đi, có thể mình lại trở thành một con người rất khác.
Và chắc gì 10-20 năm nữa, mình không tiếp tục thay đổi? Để tin vào “Pace Layer” là chấp nhận luôn có sự vận động, từ ngoài vào trong, liên tục không ngừng nghỉ. Những thứ mình chưa biết mình biết (unknown unknowns) sẽ thách thức giới hạn của những giá trị mình tin tưởng.
Nhưng quan trọng nhất là phải có niềm tin vào những giá trị, là ngôi sao dẫn lối dù cho có đi lạc xa tới đâu đi nữa (north star).
Hồi mình ở New Zealand, mình có dịp được học cưỡi ngựa. Bài học đầu tiên người quản trại (stablemaster) dạy mình đó là người và ngựa là bạn (partner) - bạn không thể ép ngựa đi tới chính xác nơi bạn muốn, nhưng bạn có thể thuyết phục nó làm như vậy, bằng cách xoay người, xoay đầu và tập trung về hướng bạn muốn tới.
With the head, body and most importantly the heart all facing the same direction, it is much easier to take actions and get to your destination.
And it’s much more fun that way too.
Trích từ Queenstown Adventure (in English)
Có lẽ đó cũng là niềm vui của cuộc sống này, để tận hưởng chuyến đi, và để bơi theo dòng nước, dù nó có chảy đi tới đâu.
Chỉ cần trong tâm xác định được rằng:
Bạn muốn sống như thế nào?
Bạn đã để lại điều gì trong cuộc sống này?
Bạn có vui không?
Trở lại tiêu đề, lên chiến lược cho một cuộc đời ở cốt lõi là trả lời các câu hỏi tự vấn - điều nghe có vẻ hơi đơn giản, nhưng hiệu quả đối với mình. Xét cho cùng, vấn đề mà cả cuộc đời này mình đi tìm kiếm, thực ra lại nằm ở chính nội tâm - để hiểu cuộc đời cũng là hiểu bản thân, hiểu cách mình tương tác hành xử với xung quanh để rồi tìm được bình yên trong lòng.
Mình không theo phật giáo, nhưng mình thấy triết lý thiền và buông bỏ càng ngày càng đúng với mình - nếu muốn nghe thêm, bạn có thể tìm sách của thầy Minh Niệm “Hiểu về Trái Tim” hoặc nghe những bài giảng của Alan Watts.
Nếu cuộc đời là những con sóng, thì mục tiêu không phải là chống lại dòng chảy. Vì con sóng nào cũng về bờ, vì quyết định nào rồi nhìn lại cũng thấy nó thật nhỏ bé. Sống là để tận hưởng dòng chảy, và tìm thấy niềm vui, chánh niệm (mindfulness) trong những khoảnh khắc bình thường nhất.
2023 mình có viết về chủ đề này, đọc thêm tại đây: The Hard Things About Everything & How to find Happiness (in English)
Những lúc mình không vui, trớ trêu nhất cũng là những lúc mình đang tập trung nhất vào mục tiêu, thậm chí còn gần chạm tới nó.
Nên là, để theo đuổi mục tiêu, đến cuối ngày, cũng là một sự đánh đổi - dù bạn có ý thức về nó hay không.
Nên là nó khó, và không phải ai cũng đủ can đảm để đi tới hết con đường.
Nên là cũng không sao nếu đang đi mà thấy mệt, muốn dừng lại nghỉ chân.
Quan trọng là cứ bước tiếp, và tin tưởng vào những gì mình đã xây dựng, vào bản thân và những giá trị cốt lõi.
Nhìn lại, có khi bạn đã ở nơi bạn muốn đến rồi đó.
Mount Cook Lake, 2023
When it’s all been said and done, I know I am my #1
Thanks for reading ;)
Note của tác gỉả
Một chủ để mà năm nào mình cũng có gắng viết ít nhất 1 bài - dưới dạng reflection hoặc short-post. Có lẽ đây là bài đầu tiên mình có thể bắt đầu xâu chuỗi lại được 1 vài thứ mình nhặt nhạnh từ những reflections (tổng cộng là 5+ bài post mình viết trên Medium trong 2023).
Tiện thể lúc rảnh tay cũng tạo luôn blog mới, phần để tổng hợp những cái mình viết trong các năm qua, phần để giữ tiếp truyền thống "paying-it-forward". Tới khi vẫn còn thấy giá trị cho cộng đồng thì mình vẫn sẽ còn tiếp tục viết - vì viết rồi cũng nhận ra mình khá là thích viết. Tìm cộng tác viên proofread & có thể đặt 1 vài câu hỏi hay để mình think tiếp nên nghiền ngẫm viết tiếp cái gì.
Đang thất nghiệp nên chắc còn thời gian viết nhiều bài hơn nữa.
Cảm ơn bạn vì bài viết hay. Bản thân mình đồng cảm với bạn khá nhiều vì mình lúc tốt nghiệp qua Nhật làm với nhiều hy vọng, xong thấy mặc dù lương cao, bonus 5 tháng/năm, cơ mà nó k support cho việc phát triển năng lực bản thân nên về Sài Gòn tìm kiếm giấc mơ. Xong được 2 năm thì giấc mơ lụi tàn (deadline và cháy dự án đã hủy hoại con người tôi ntn 😵), phải về HN với ba má =)))
Hai lần làm lại từ đầu khiến mình hiểu rõ tầm quan trọng của nắm được thế mạnh của mình, và hệ thống hóa mục tiêu sự nghiệp của mình.
Em cảm ơn anh vì bài viết rất có tâm này ạ 💗 Em chắc sẽ còn quay lại đọc thêm nhiều lần nữa. Em là sinh viên sắp ra trường và bản thân lại học trái ngành nên em luôn trong cảm giác lo lắng với định hướng tương lai. Cái gì em cũng muốn học và muốn thử và hầu như lúc nào em cũng thấy mình đang trong tâm thế “học”. Và đến cuối năm nay khi ôm đồm quá nhiều thứ mà vẫn chưa xác định được bản thân muốn gì, em cảm thấy rất mệt mỏi và mất động lực, cảm giác trì trệ kéo dài. Đọc bài này của anh đã giúp em reflect được thêm nhiều về bản thân và định hướng lại cách đặt mục tiêu của em. Hy vọng được đọc thêm nhiều bài viết của anh ạ! Btw em cũng là AIESEC alumna, thấy AIESECer mọi nơi ạ 😆