Vài điều mình vẫn luôn băn khoăn từ khi mới đi làm:
“Tại sao có những người giỏi, có tố chất, nhưng sự nghiệp lại không có thăng tiến?”
“Cùng một công việc, thậm chí làm ít việc hơn, sao có người được trả lương cao hơn, và có nhiều cơ hội tốt hơn?”
Ở một mức độ cực đoan, nếu 80% kết quả thực sự được tạo ra bởi 20% công sức - thì nhóm 20% đó chưa chắc đã được ghi nhận nhiều như nhóm 1% ở trên cùng. Ngoài những yếu tố ngoại cảnh như con ông cháu cha, hay những quan hệ ngầm, chắc hẳn phải có yếu tố nào đó khác.
Vì những trường hợp như vậy không hiếm - ít nhất thì trong những mối quan hệ mình biết, với những gia cảnh hoàn toàn không có gì nổi bật.
Vậy yếu tố đó là gì?
Dạo gần đây, mình có một vài suy ngẫm sau khi nói chuyện với một vài anh chị senior (15+ năm kinh nghiệm, đã từng làm ở những vị trí quản lí cao). Một điểm chung mình nhận thấy họ đều nói về, đó chính là những câu chuyện xuất phát điểm, suốt từ khi bắt đầu đi làm, đến khi họ có những thành tựu đầu tiên - điều định hình cách mọi người biết tới họ là ai.
Một trong những youtube podcast hay mình nghe gần đây, về câu chuyện hành trình và trải nghiệm của một người Việt Nam làm CEO tại tập đoàn đa quốc gia nước ngoài.
Làm CEO ở tập đoàn đa quốc gia - Đạt Phạm - Managing Director, Heineken, Lào
Trong thuật ngữ marketing, những giá trị cố hữu vô hình ấy được gọi là brand equity - hay cụ thể hơn là những giá trị thương hiệu. Và đây là cái mọi người sẽ nhìn thấy, cảm thấy, đánh giá, và sẽ nhớ về bạn.
Tại sao có cùng xuất phát điểm nhưng có người đi xa hơn, và có người gặp nhiều khó khăn hơn; cùng một công việc nhưng có người làm tới đâu cũng thuận lợi, và có những người làm gì cũng sẽ gặp trở ngại.
Khoảnh khắc mình nhận ra, rằng yếu tố ấy có thể quyết định 80% cuộc sống một người, cũng là lúc thế giới quan mình thay đổi khá nhiều.
Nếu cuộc chơi là như vậy, thì cách chơi cũng sẽ phải khác.
Bán cái gì hay nhiều hơn là cách bạn bán
Một ví dụ thực tế là câu chuyện đi học đại học và việc làm.
Cứ mỗi năm nước ta có khoảng vài triệu cử nhân sẽ bắt đầu bước vào thị trường lao động. Đó là chỉ tính trong nước, nếu tính cả số lượng du học sinh, thì chắc chắn con số sẽ còn tới mốc cao hơn. Điều này không giúp ích nhiều khi nhu cầu tuyển dụng bậc cao học chỉ chiếm một phần năm toàn bộ số lượng việc làm trên thị trường. (Cục Thống kê TP.HCM, 2024)
Số lượng việc làm cũng sẽ có xu hướng chọn lọc hơn, khi tình hình kinh tế dần đi vào chu kì suy thoái, và các công việc văn phòng đơn giản có thể dần được thay thế bởi AI và tự động hóa.
Cụ thể, thông tin từ bản tin của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2024, cứ có 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 14 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này ảnh hưởng tới tình hình tuyển dụng, việc làm.
…nhu cầu tuyển dụng ở trình độ trung cấp, sơ cấp chiếm tỉ lệ cao nhất lần lượt là 23,6% và 22%, tiếp đó là đại học (21%), cao đẳng (19%), lao động phổ thông (13,5%).
Nguồn: Tuổi trẻ
Nguồn: Vietnamnet
Đã qua từ khá lâu rồi cái thời mà cứ từ một trường đại học danh tiếng là nghiễm nhiên sẽ được săn đón bởi các công ty đa quốc gia lớn. Tấm bằng cao học không còn là tấm vé độc đắc giúp bạn bước chân vào ngưỡng cửa một công việc tốt. Xã hội ngày càng thay đổi với tốc độ nhanh hơn, đồng nghĩa những thứ chỉ dạy trên trường lớp không còn đủ để bắt kịp với xu hướng của thời đại.
Rõ ràng bí kíp (playbook) từ những thế hệ trước: cố gắng học thật giỏi, vào một trường thật tốt, có GPA thật cao và bỏ qua những yếu tố khác thì sẽ có công việc tốt, lương cao - là không đủ.
Bạn cần nhiều hơn thế.
Nhiều hơn tấm bằng đại học, đó là cách bạn bán câu chuyện của chính mình qua những năm tháng học đại học như thế nào.
Bởi vì giữa một bạn học sinh có tấm bằng xuất sắc nhưng thiếu kinh nghiệm lãnh đạo so với một bạn học sinh giỏi/khá nhưng đã có rất nhiều hoạt động đội nhóm, chứng mình có thể quản lí dự án lớn - bạn nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?
Nói đúng hơn, câu hỏi đặt ra rằng, giữa hàng nghìn đồng môn tốt nghiệp cùng khóa - người ta sẽ biết tới bạn bởi, và độc nhất ở bạn, điều gì.
Một câu chuyện hay là một câu chuyện gắn liền với việc bạn là ai, và nó gợi mở những điều tốt nhất trong con người bạn. Một người yêu thể thao và hết mình vì bộ môn ấy, một người đam mê công nghệ và tự tổ chức những dự án riêng để kết nối cộng đồng cùng sở thích.
Quan trọng không phải là việc bạn bán cái gì, mà nhiều hơn, là cách bạn bán nó.
(…) Mình học trong một môi trường đại học kinh tế cạnh tranh - nhưng mình ý thức từ sớm chỉ kiến thức sách vở là chưa đủ. Để đi nhanh hơn mình cần phải học từ những người đồng lứa và những người đi trước, dẫn tới việc mình chủ động tìm kiếm môi trường phù hợp từ sớm.
Mình tham gia câu lạc bộ khi bắt đầu vào đại học. Từ đó, mình nhận ra tầm quan trọng về việc xây dựng những bộ kĩ năng cần thiết cho đi làm, thông qua các cuộc thi (đây là con đường mình chọn, dĩ nhiên là do mình thích nó, tuy nhiên nó không phải là con đường duy nhất)…
Danh tiếng đi trước bước chân
Vẫn nhớ ngày công ty mình đón một người Head bộ phận mới về, cả công ty đã đồn từ trước đó nửa tháng trời về sự dịch chuyển này. Trong ngành có lẽ hiếm ai không biết tới danh tiếng của chị ấy.
Bởi vì đó là một ví dụ điển hình của một người có “brand equity” lớn - và nghiễm nhiên khi người ta tới với công ty, cũng là trong một thế khác so với một người không có gì nổi bật.
Nói ở phạm vi nhỏ hơn, trong chính đội nhóm bạn thuộc về - cách các thành viên khác nói về bạn với các phòng ban khác - chính là yếu tố “equity” bạn có trong công việc bạn đang làm.
Và nhìn xa ra, sự nghiệp của một người xây dựng từ những bước tiến nền móng - là dần hình thành nên những câu chuyện, sẽ được kể bởi, những người đồng nghiệp, khách hàng, đối tác. Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc. Và cách mọi người nhìn nhận bạn là ai, bắt nguồn từ quá trình chứng minh liên tục: Liệu bạn có đúng với hình tượng bạn đang hướng tới.
Một người anh mình biết làm một trí trong 10+ năm, với title là Sales Supervisor. Anh làm phát triển một kênh mới, quy mô nhỏ, thời bấy giờ chưa có được chú trọng. Nhưng những việc anh làm, tầm ảnh hưởng anh tạo với đội nhóm, kiến thức và kinh nghiệm độc nhất của anh từ chục năm kinh nghiệm, dần trở thành thứ không ai khác trong công ty có được. Câu chuyện của anh trở thành câu chuyện chỉ mình anh kể được.
Mất 10 năm để lên manager, anh đi chậm hơn người khác. Nhưng rồi ít hơn 5 năm để anh lên head rồi director - được headhunt bởi công ty đầu ngành, và dĩ nhiên với mức lương gấp nhiều lần công việc cũ. Trong một buổi catchup giữa hai anh em, anh mới đưa mình xem đoạn tin nhắn - chính GM thời bấy giờ hẹn gặp anh để tìm cách giữ anh lại. Nhưng anh đã chọn không.
Bởi khi đã xây dựng được “equity”, thì việc chọn công ty nào không phải là yếu tố quan trọng nữa.
Bạn được chọn công việc, chọn tầm nhìn người lãnh đạo, và một vị trí có quy mô ảnh hưởng tới đâu.
Di sản (legacy) là tài sản
Thứ người ta nói về khi bạn rời một nơi nào đó chính là legacy mà bạn để lại.
Và dĩ nhiên, trong ngắn hạn, có rất nhiều cách để xây dựng nó, bằng những thứ phông bạt, rồi dựng lên những câu chuyện không có thật. Đó có thể đến từ những người không đủ khả năng - nhưng vẫn có thể bán một câu chuyện tốt.
Thời gian là phép thử lớn nhất, vì cái gì không bền vững, hoặc xây nên từ những thứ không có thật, cũng sẽ trở về với đúng giá trị thực của nó theo thời gian.
Nền móng không chắc chắn thì ngôi nhà sẽ sụp đổ theo tháng năm.
Bền vững hơn là “equity” xây dựng từ những nền tảng cốt lõi (fundamentals). Một câu hỏi đơn giản: “Liệu mọi người có biết tới bạn là người tốt nhất trong việc bạn làm?”. Tốt ở đây về khả năng, về đam mê, về cái tâm bạn để vào công việc.
Và yếu tố “equity” ở đây chính là phần “tiềm năng”. Hỗn hợp của năng lực chuyên môn và khả năng làm việc với con người.
Quyển sách đầu tiên về kinh doanh mà mình đọc tử tế, thực chất không liên quan gì tới Sales, Marketing hay Finance, là “Đắc Nhân Tâm”. Dù mình không thích cách viết mang phần hơi giáo điều, cuốn sách ấy cho mình bài học đầu tiên và quan trọng nhất cuộc đời đi làm.
“Business problems are people problems.
And you can solve people problems by winning them over.”
Niềm tin là một thứ được xây dựng qua những trải nghiệm và sự tiếp xúc. Trong công việc, điều ấy thể hiện qua việc bạn có đáng tin tưởng hay không. Xây dựng di sản thực chất là xây dựng niềm tin của mọi người, vào tầm nhìn, vào thứ bạn đang làm. Vì đến cuối ngày bạn không xây dựng nó một mình, bạn cần có những người đồng hành.
Và khi bạn tiếp cận công việc với niềm đam mê, bạn sẽ thu hút những người muốn giúp bạn.
Hồi mình đi làm ở công việc cũ, mình vẫn nhớ bài học lớn nhất sếp trực tiếp đã dạy mình: “Nếu đã làm gì, hãy làm nó với một cái tâm - rồi đã làm nó tốt nhất trong khả năng có thể hay chưa?”
Và khi làm một công việc tốt, nó dần mở ra những cơ hội mới để mình chứng tỏ khả năng, có visibility với những người trong ban lãnh đạo. Rộng hơn là bạn sẽ luôn có những người đứng phía sau, muốn giúp bạn đạt được mục tiêu đó.
Trước hết hãy làm thật tốt, rồi sẽ dần hình thành câu chuyện chỉ mình bạn kể được thôi.
(…) Một trong những lẽ sống ấy chính là niềm tin mãnh liệt của mình vào đường “J curve”. Rằng trong cuộc sống không có sự phát triển theo đường thằng (linear) - mọi thứ đều có điểm thay đổi (inflection) khi đã có sự tích luỹ đủ từ những giai đoạn trước đó.
Khi ấy sức mạnh của “J curve” là sự tăng tiến theo cấp số nhân (exponential). Giống như khi bạn phóng một quả tên lửa, lực đẩy và quãng đường bay sẽ luỹ tiến khi càng gần đạt tới vận tốc thoát ly (escape velocity) để thoát khỏi tầng sinh quyển của Trái Đất.
Với 80,000 giờ
“Một người sẽ dành trung bình 80,000 giờ trong cuộc đời cho công việc.” (80,000 Hours: How to make a difference with your career)
Mỗi người có thể có một mục tiêu khác nhau. Mức độ tham vọng khác nhau. Tầm ảnh hưởng khác nhau.
Nhưng nếu đã bỏ 70% cuộc đời chỉ để có thật nhiều tiền, tài sản hay địa vị - thì mình thấy đó là một cuộc đời rất nhàm chán.
Đối với mình niềm vui là được thấy thành quả của những công sức mình bỏ ra, dù tác động ít hay nhiều; giúp được cộng đồng những người xung quanh mình khai phá tiềm năng; Được xây dựng từ những ý tưởng của mình và biến nó thành hiện thực.
Cái tên mà mình xây dựng là một người đã sống cuộc đời có ý nghĩa, cống hiến cho những giá trị mình tin tưởng, những người mình thương yêu, và cộng đồng mình xây dựng.
Khi ấy, cuộc sống cũng trở nên ý nghĩa hơn gấp nhiều lần.
P/S: Bài này là bài đầu tiên trong series “Những điều đã thay đổi cuộc đời mình” - nói về những mindset, sự kiện, con người trong công việc và cuộc sống đã thay đổi sâu sắc cách mình sống và nhìn nhận thế giới trong những năm tháng của tuổi 20s. Vì mục đích là chia sẻ nên có những góc nhìn là cá nhân, không đại diện cho quan điểm của tổ chức nào và không áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Nếu bạn thấy có gì muốn chia sẻ và góp ý hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Cheers,
Nguyên (Daniel)
good writing great message b ơi!! love this