To infinity and beyond your capabilities (pt.2)
Giới hạn nằm ở sự kì vọng. Để vượt qua sự kì vọng thực ra không khó như bạn nghĩ, mà chỉ rất khó nếu không tiếp cận không đúng cách...
P/s: Mấy tuần rồi khá bận rộn với dự án tài chính cá nhân & bắt đầu kinh doanh riêng (AirBNB) nên mình không có viết được đều đặn.
Mấy tuần tới sẽ quay trở lại viết hơn và start với mini-series mới về chủ đề mà nhiều bạn cũng hỏi mình: “Những trải nghiệm đau đớn nhất đã thay đổi cuộc đời”. Stay tuned nhé ;)
Previously on, To infinity and beyond your capabilities (pt. 1) (substack.com)
Giờ này một năm trước
Trong cái se lạnh của đêm đông ở Christchurch, lấp ló những tia lửa ấm áp, văng vẳng tiếng đàn guitar từ quán bar đối diện bên đường, bản thân mình chẳng thể dừng được dòng suy nghĩ:
“Giá mà, lúc này mình không phải vẫn ngoài đây làm việc, một mình.
Tại sao mình đang cố gắng cho project này tới vậy?”
Năm 2023 là một năm đặc biệt, vì mình đến New Zealand (NZ) lần đầu tiên, được giao phó lead một dự án khảo sát thực địa trên toàn quốc. Công việc chính là đi thu thập data thị trường từ các điểm bán, sau đó làm dashboard phân tích và đề xuất chiến lược tăng thị phần và doanh số cho từng khu vực.
Mình có 4 tháng để hoàn thành công việc - ở một quốc gia hoàn toàn xa lạ đối với mình tại thời điểm đó. Ý tưởng một mình phiêu lưu tới những chân trời mới, với văn hóa khác biệt hoàn toàn Việt Nam, khiến cho mình rất hứng thú.
Một chút background nữa, đây là lần đầu tiên mình làm Field Sale, phần lớn thời gian trước đó mình dành ở văn phòng - chưa bao giờ mình được lead dự án thực địa với quy mô lớn vậy. Thêm đó, sếp trao quyền mình được tận dụng nguồn lực từ đội Sale tại các khu vực trọng điểm. Thử thách là làm sao để engage & lead những người vốn đã hơn mình 5-10 năm tuổi đời và tuổi nghề.
Hôm nhận brief, sếp mình cũng nói với mình rằng: “Daniel, đây là một dự án lớn mà phòng ban rất ấp ủ, chưa có ai làm trong vài năm nay - nên hãy cân đối và đề xuất thực tế theo khả năng nhé.”
Trước lúc qua, mọi người đều khuyên mình làm việc ở NZ “chill” lắm. Thêm phần lạc quan yêu đời vì nghĩ đi du lịch chẳng mất đồng nào, mình nhận full scope ngay.
Đó là cho tới một buổi chiều, khi ngồi quick-check với anh data analyst bàn bên, mình mới nhận ra có hơn 3000 điểm bán thuộc phạm vi khảo sát.
Nếu tự mình đi, vị chi mỗi ngày khoảng 20 điểm - bao gồm cả lúc tối và đêm (ngành bia thì đây là đặc thù). Chưa tính tới thời gian phải ngồi tổng hợp dữ liệu, làm phân tích lên slides và dashboard. Khá là căng đây…
Các thông tin sếp mình yêu cầu, đếm sơ sơ cũng gần chục đầu dữ liệu, nhét được kín một vài trang bảng hỏi. Mình bắt đầu làm template khảo sát ở trên hệ thống, rồi nhờ sự endorse từ Sale Director để triển khai cho các anh em sale. Để chắc ăn, mình phối hợp cùng team Sale Support, để tích hợp yêu cầu trên hệ thống của Sale - trở thành một phần lịch trình daily call của họ. Điều này giải quyết được bài toán thời gian cho mình, vừa giúp mình có nguồn lực hỗ trợ trong những trường hợp phát sinh.
Sau nửa tháng lên kế hoạch và setup hệ thống, mình nghĩ vậy là tạm ổn. Vừa đó xong, mình được thông báo là khoảng 3 tuần nữa sẽ có đoàn từ APAC tới thăm, cần chuẩn bị một one-page tóm tắt tiến độ và kết quả.
Nếu mọi thứ vẫn theo kế hoạch, thì timeline này ổn. Sẽ ổn thôi mà, phải không?
Xử lý khủng hoảng
Nửa tuần đầu tiên của khảo sát, mình nhận được 5 responses trên hệ thống, thấp hơn nhiều con số 20 mình đã kì vọng. Mình nháo nhào đi tìm nguyên nhân, gọi điện cho từng anh em sale, lên lịch đi thị trường với họ. Hầu hết những phản hồi mình nhận được đều tích cực. Thế nhưng một tuần trôi qua, con số vẫn chỉ đạt một nửa mục tiêu.
Mình chẳng thế hiểu được sao mọi thứ lại đi chệch hướng tới vậy, dù mọi sự chuẩn bị đã có ở đó: sự endorse từ cấp cao, meeting kick-off và tracking trên hệ thống. Mọi người đều aware về tầm quan trọng về dự án và biết cần phải làm gì. Vậy tại sao vẫn không như mong đợi?
Sau khi panic (nhẹ), và tham khảo ý kiến từ người anh mentor của mình để calm bản thân lại. Mình nhận ra không còn nhiều thời gian, và rõ ràng là cần take action nếu như mình vẫn muốn deliver cho meeting sắp tới.
Việc đầu tiên mình làm là quay lại nói chuyện với Line Manager, về tình hình thực tế khi có thể tiến độ sẽ không đạt 100% như kì vọng ban đầu. Có những thứ sẽ cần lược bỏ, và mình propose lại một bộ data với output ngắn hơn so với đề xuất ban đầu, nhưng vẫn tập trung vào những yếu tố cốt lõi quyết định thành công của dự án.
Sếp mình đồng ý.
Việc thứ hai, khó hơn. Mình còn khoảng 500 điểm bán trong khu vực Auckland và thành phố Wellington cần hoàn thành trong thời gian còn lại trước khi đoàn APAC tới. Mình từng kì vọng ít nhất một nửa số này sẽ được đội Sale tự hoàn thiện. Nay mình chỉ còn 2 tuần để hoàn thành tất cả.
May thay vẫn còn tia hi vọng le lói, đến từ nhân sự đầu tiên và cao cấp nhất còn lại trong dự án.
Lũ kéo tới chân, project lead cũng xắn quần lên mà lội thôi :)
3 tuần kế tiếp là chuỗi ngày liên miên của việc ra đường, đi từng ngõ ngách con phố, đến từng điểm bán, gặp từng chủ quán. Hầu hết các quán mở từ tối tới khuya, nên đây là thời gian chính mình ở ngoài đường. Vì người NZ rất coi trọng work-life balance, nên phần lớn lúc ngoài giờ là thời gian mình đi một mình, ở những khu vực lần đầu đặt chân tới.
Thời điểm đó thời tiết đã chuyển sang mùa Đông, nhiệt độ ban đêm dù không buốt giá như cái lạnh Hà Nội, nhưng cũng đủ để thấy cóng chân khi ở ngoài đủ lâu. Một chiếc áo vest, cắp bên tay chiếc cặp laptop, nở một nụ cười đủ tươi để gây thiện cảm với chủ quán. Cứ như thế mình đi từng con phố, giới thiệu bản thân, làm khảo sát, như một vòng lặp thường ngày.
Có những chủ quán rất nice, họ dành thời gian trả lời câu hỏi của mình - giới thiệu về văn hóa và những dòng bia thủ công đặc biệt tại quán họ. Nếu may mắn, họ còn sẵn sàng cho mình uống thử - và nếu không lịch sự từ chối, có khi mình đã say tới độ về nhà ngủ luôn. Do, bia thủ công có độ cồn khá cao (7%++), và ly nếm bia của NZ - thứ to bằng 2/3 ly bia thường ở Việt Nam - có thể knockout mình sau chỉ vài ly :)
Có những lúc khác thì không suôn sẻ như vậy. Mình không nhớ bao nhiêu lần bị Check ID vì trông mặt mình quá trẻ, bị bouncer từ chối không cho vào, hay bị chủ quán làm ngơ do họ không muốn cung cấp thông tin. Cũng có những lúc thầm cảm thấy bị racist do mình là người Châu Á, dù mặt bằng chung người Kiwi rất nice và đa sắc tộc. Ở đâu thì cũng có người này người kia.
Nhưng cảm giác kinh khủng nhất có lẽ là bước về phòng khách sạn một mình, thấm mệt và lạnh. Trong lúc nhai từ từ phần cơm chiên mua từ chiếc quán hiếm hoi còn mở cửa giờ đó, mình mới thật sự thấm thía cái cảm giác cô đơn. Là khi bản thân chợt nhận ra chỉ còn mình và bốn bức tường, không có bạn bè, không người thân cạnh bên.
Cái cảm giác đuối sức từ từ, từ việc phải gặp hàng chục người lạ mỗi ngày, phải gượng cười, phải ép bản thân hoạt ngôn để tạo thiện cảm, gặm nhấm tinh thần mình mỗi ngày. Đi thăm những hàng quán đông vui nhộn nhịp, trong ấy đám đông đang sum vầy với bạn bè, người thân bên đồ ăn ngon và ngọn lửa sưởi ấm áp trong đêm đông, làm mình thấy ghen tị. Những cảm xúc ấy không đến ngay một lúc, mà cứ từ từ lớn dần trong những ngày làm dự án một mình.
Mình chưa bao giờ nghĩ mình có đủ khả năng và sức chịu đựng tới vậy. Với một đứa trước giờ chỉ biết ngồi bàn giấy vẽ lên những strategy và chiến lược, thì thử thách này thật sự rất khó dù chỉ trong một tuần, nói gì tới vài tháng trời.
Tất cả để hoàn thành dự án được giao: ban đêm đi thăm quán, ban ngày ngồi xử lí data, báo cáo, họp hành, làm các task hỗ trợ khác. Khi phải di chuyển thành phố, mình cũng chỉ kịp gói chiếc vali ngay trong đêm trước bay, rồi lên đường sáng sớm hôm sau. Có một độ mình bay nhiều và ít ở nhà đến nỗi mà nhà lúc nào cũng trong trạng thái vali chưa unpack và nhà cửa thì bừa đồ, vì chẳng còn sức và thời gian để dọn.
Đi tiếp hay dừng lại?
Nhiều lúc đầu mình xuất hiện suy nghĩ mãnh liệt: “Tối nay liệu có thật sự phải đi nữa không?”
Bước đầu tiên, xuống khỏi chiếc giường ấm áp, bước ra khỏi cửa nhà luôn là bước đi khó nhất. Dần đầu óc mình học được cách để quen với nhịp sống vậy, để tự thuốc bản thân “nốt một quán này nữa thôi…” và từ ấy trở thành “gắng nốt hôm nay, nốt tuần này nữa…”. Một tuần, hai tuần, và hai tháng cũng trôi qua cứ như một lịch trình định sẵn. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với thời gian.
Trong thời gian này mình cũng thiền khá nhiều, trước lúc ngủ mình sẽ hít thở sâu, để thật sự hiểu được trạng thái bản thân lúc đó thế nào. Mình dần học được cách tự hỏi bản thân: “Bây giờ có đang thấy ổn không?”.
Có những hôm mình nhận ra đã đạt tới giới hạn, mình sẽ chấp nhận nghỉ một ngày. Vì đối với mình thà đi chậm hơn một chặng, còn hơn là bỏ toàn bộ cuộc đua. Vì mình đã từng ép bản thân, và cơ thể tự trả thù bằng cách không cho mình đủ sức chiến đấu tiếp vào ngày hôm sau. Vì chiến thắng cuộc chạy marathon này cần sự ổn định (consistent) hơn là chạy nước rút.
Thú thực, nhiều lúc đầu óc mình bị cuốn vào những suy nghi tiêu cực. Mình phải dừng mọi thứ lại, phải học cách chấp nhận những cảm xúc đang có. Nhưng mình luôn remind bản thân rằng không chỉ có một mình, và sẽ không quỵ lụy trong sự tiêu cực. Mình chủ động tìm sự trợ giúp từ Line Manager, từ đồng nghiệp, từ bạn bè mỗi khi mình có thể qua catchup với tần suất hàng tuần hoặc hàng tháng.

Trong thời gian này, mình cũng để riêng một khoảng thời gian trong ngày để regroup cùng Sale Manager tại địa bàn đó. Dần xây dựng niềm tin từ việc chia sẻ, họ giúp input những khía cạnh mới, thông tin đến từ sự am hiểu địa bàn của họ. Chính điều ấy giảm khối lượng công việc thực địa mình cần làm xuống một nửa, vì có những khu vực sale am hiểu đủ sâu để có thể hoàn thành khảo sát dù chỉ có một buổi đi thị trường.
Những điều ấy cũng khiến output mình có trở nên độc nhất, vì đó là dữ liệu chuẩn hóa và minh bạch từ nhiều năm kinh nghiệm thực địa. Mình cũng hiểu được những painpoint khi xây dựng (streamline) quy trình tiêu chuẩn khi chính bản thân đã trải qua những khó khăn ngoài thị trường. Quan trọng hơn hết, sau dự án này mình nói được ngôn ngữ của Sale, hiểu sâu hơn rất nhiều về cách hệ thống vận hành, và có được sự tin tưởng của anh em - nhiều hơn cái mình có nếu chỉ ngồi trên văn phòng chỉ đạo.
Đến cuối 3 tháng, mình làm vượt tiến độ dự án - mở rộng thêm 1 khu vực trọng điểm nằm ngoài scope ban đầu. Sếp mình đánh giá mình rất cao, và mình cảm thấy tự hào về bản thân, về thử thách và hành trình mình đã vượt qua.
Mình có thể tự tin khẳng định trong lịch sử công ty chưa ai từng làm được kết quả như mình tại thời điểm đó. Và đó là legacy mình để lại ở vùng đất Kiwi này.

Sức mạnh của niềm tin
“Và, khi bạn muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lại để giúp bạn đạt được nó”
Paul Coelho - Nhà Giả Kim
Mỗi người đều có một xuất phát điểm khác nhau đã định hình nên con người, tính cách, khả năng của bản thân. Nên câu chuyện nào cũng sẽ khác, và cũng sẽ có những điều dễ dàng đối với một người nhưng lại là thử thách đối với người khác.
Mình nghĩ con người mình có thể thích nghi và vượt được ra những cột mốc mà mình tự cho là ngưỡng tối đa, thực chất cũng chỉ dựa vào một niềm tin: “Rằng không có gì là vĩnh viễn ngoài sự thay đổi.”
Nếu mình chấp nhận rằng mọi thứ về bản thân sẽ vận động, sẽ có sự đổi mới để trở nên tốt hơn, thì chẳng có điều gì khẳng định rằng, tồn tại một cái giới hạn mà không thể vượt qua. Chưa đủ về chiều rộng thì còn chiều sâu, chưa đủ tầm khả năng thì nhìn theo chiều thời gian - mất bao lâu để đạt tới ngưỡng mong muốn.
Có điều, như mình vẫn luôn tâm niệm, cuộc đời là cuộc chạy marathon chứ không phải nước rút. Thay đổi luôn rất rất khó nếu đặt một kì vọng không đúng tầm (quá nhanh, quá lớn, quá cục bộ…) và một thái độ thiếu thích ứng trước những biến số bất ngờ, rủi ro không thể lường được trước.
Kiểm soát sự kì vọng của chính bản thân và những người xung quanh giúp bạn đi xa hơn, và bớt đi những gánh nặng của sự sợ hãi hay lo âu trên con đường này. Mình bắt đầu năm 2023 với một mindset sẵn sàng đón lấy thất bại (Reflection 2022) - điều ấy giúp mình tự tin hơn để thử, để dám làm những thử mới, ngoài lớp bao bọc an toàn bấy lâu nay.
Với 2023, nghe hơi ngược đời, nhưng mà 1 lần mình muốn cam kết với bản thân để thất bại ở ngoài vùng an toàn. Khi chi phí cơ hội còn thấp, và mặt vẫn còn đủ dày để tự tin nghe chửi.
Và rồi khi đó sẽ lại khôn ra thêm một chút và lớn hơn được thêm nhiều lần.
Hơn hết là bạn sẵn sàng đánh đổi những gì? Vì những thay đổi lớn chẳng bao giờ dễ chịu. Lần đầu chuyển nhà, lần đầu sống một mình, lần đầu ở nước ngoài - mỗi lựa chọn sẽ dẫn tới một kết quả khác nhau, gồm cả điều tốt lẫn những điều đau đớn, hữu hình hay vô hình.
Nhưng nếu đưa ra lựa chọn, thì phải chấp nhận đi theo cuộc chơi, và tốt nhất trong khả năng mình có thể. Trong thế trận lớn của cuộc đời, mọi bước đi đều dẫn tới một mục tiêu bạn mong muốn trên cuộc đời này.
Vậy bạn đã tự hỏi: “Bạn mong muốn điều gì nhất chưa?”
Câu trả lời sẽ dẫn bạn đi xa tới những chân trời mới, đôi khi sẽ khiến chính bạn cũng ngạc nhiên đấy ;)
27.08.2024
Quá hay em ơi!!! Hóng các phần tiếp theo