Bí kíp đi làm corporate ở nước ngoài cho người không đi du học
Từ một người chưa đi du học ngày nào và được công ty sponsor visa full-time đi làm Sales Strategy tại New Zealand
Hello, sắp tới giáng sinh rồi - bạn đã kịp mua quà cho người thân chưa?
Bài này là món quà đặc biệt dành cho bạn - những người subscriber blog mình.
Đã 5 tháng kể từ bài blog đầu tiên của mình lên sóng, và bạn là một trong số những người đã đồng hành cùng mình trên hành trình này. So, I just want to say thank you.
Đây cũng là một hot topic mình được hỏi khá nhiều trong network những người mình quen.
Thực ra lúc đầu mình không tính viết bài này vì case của mình khá đặc biệt.
Nhưng ngẫm lại, có nhiều bước chuẩn bị rất quan trọng để giúp mình đạt được bước ngoặt này.
Và mình nghĩ rằng những điều đó không độc nhất trong case của mình, nó là mindset & skills có thể transfer được.
So hope you enjoy this.
Let’s get to it
Disclaimer: Mình không làm IT/Tech/Engineering nên những chia sẻ sẽ không có discuss về nhánh này. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, nếu có bình luận gì hãy note cho mình dưới phần comment nha.
On top of Tasman Glacỉer, 2023
Hành trình đi nước ngoài của mình
Tóm gọn vài dòng về mình: cựu sinh viên FTU - Kinh tế đối ngoại (hola to all K56-ers)
Mình là một trong 3 Management Trainee Việt Nam (Commercial/Sales) được tuyển trong chương trình MT Asia Pacific tại một công ty FMCG về bia lớn ở Việt Nam.
Chính từ đó mình có cơ hội làm tại 3 quốc gia - trong đó có Việt Nam, Đài Loan và New Zealand.
Mình bắt đầu đi làm ở nước ngoài từ khá sớm. Sau 1 năm chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc, mình được luân chuyển tới Đài Bắc vị trí Marketing rồi sau đó tới Auckland làm Sales trong 1 năm kế tiếp, rồi quay trở lại Việt Nam khi tốt nghiệp MT vào 2023.
Hiện tại thì mình đang ở Auckland cho công việc full-time trong bộ phận Sales Strategy, với hợp đồng không thời hạn, và visa sponsor bởi công ty. Nói cách khác công ty tuyển và trả lương cho mình giống một người bản xứ ở đây.
Mình chưa hề dành ngày nào đi du học, và cũng chưa từng ra nước ngoài cho đến khi được luân chuyển vì công việc.
Bạn hỏi mình hồi mới tốt nghiệp đại học có tưởng tượng ra cảnh này không?
Nói thẳng ra là không.
Đến lúc mình được nhận job offer và gần 6 tháng chờ visa, mình còn hoài nghi rất nhiều. Mình không tin đây là thật.
Vì trong 20 năm lịch sử công ty, mình là người đầu tiên được tài trợ visa để move từ Việt Nam đi New Zealand, và hiện tại là người Việt duy nhất trong vị trí full-time tại đây.
Vậy mình làm được điều ấy như thế nào?
“Nếu các người thành tâm muốn biết…”
Đặt kì vọng đúng
Đi làm nước ngoài có khó không?
Có. Rất khó. Nếu bạn muốn đi từ Việt Nam, và làm những công việc corporate truyền thống.
Trừ khi bạn xuất chúng. Cỡ tầm 1 trên vài nghìn người vậy.
Đơn giản là vì 3 lí do:
Tuyển dụng bạn là một thương vụ rất tốn kém.
Bạn có cạnh tranh được với người bản địa không?
Tại sao nhà tuyển dụng phải tin bạn?
Về điều số 1 - lấy trong trường hợp của mình: chưa cần biết tuyển được hay không - công ty sẽ tốn khoảng $2000 tiền phí để được cấp phép và làm “job check” cho nhân viên nước ngoài.
Lí do: chính phủ muốn đảm bảo công ty đã làm hết cách để tuyển người trong nước rồi mới tính đến chuyện tuyển expat (yeah, hóa ra chính phủ nào cũng phải thiên vị công dân nước mình trước tiên).
Khi được cấp quyền rồi thì mất thêm $1500 nữa để trả tiền làm Accredited Work Visa (Source: INZ). Nếu tài trợ vé máy bay, chỗ ở, etc. thì cứ vậy cộng thêm từng đó tiền cho từng khoản. Sơ sơ thì cũng vài nghìn đô tiền chi phí ban đầu.
Cơ mà, đó vẫn chưa phải là phần chi phí tốn kém nhất.
Tổng thời gian từ job offer tới lúc mình có visa là khoảng gần 6 tháng (2 tháng job check, 3.5 tháng visa). Trong khoảng thời gian đó, vị trí của mình là một headcount đã được lên plan, nhưng không có ai làm cả. Cứ mỗi ngày làm việc trôi qua là chi phí cơ hội của công ty lại lớn dần.
Giả sử, giá trị của vị trí bằng với mức lương offer, thì công ty đã mất vài chục nghìn đô, hoặc hơn.
Giờ bạn đã thấy việc tuyển dụng một người nước ngoài tốn kém không?
Về điều số 2 - cạnh tranh ở đây không có nghĩa là ngang hàng. Nói thẳng ra, bạn phải vượt trội hơn. Áp dụng lí thuyết trò chơi vào trường hợp này, nếu khả năng đáp ứng công việc của bạn chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn người bản xứ không đáng kể - có rất ít động lực để nhà tuyển dụng chọn bạn.
Nhưng cái lớn nhất, phũ phàng nhất, là họ không tin bạn.
Thứ nhất là, họ không quan tâm tới số năm kinh nghiệm làm việc nếu không phải trong thị trường bản địa.
Mình từng biết trường hợp chị đồng nghiệp Phillipines với gần 20 năm kinh nghiệm khi qua bên này phải làm lại gần như từ đầu. Dù chị đã lên tới level VP, từng làm ở Phillipines và Mỹ, những thứ đó đều không quá quan trọng ở đây.
Thứ hai là, bằng cấp và thành tích không quan trọng bằng kinh nghiệm thực tế.
Không quan tâm bạn có bao nhiêu cái MBA, hay từng làm những dự án nước ngoài, nhà tuyển dụng sẽ muốn xem bạn đã làm việc này ở nước sở tại chưa. Nếu chưa thì tại sao người ta phải tin bạn hơn một người đã có thành tích (track-record) rồi?
Đấy là chưa kể đến thị trường ở những nước phát triển, việc ứng viên có kinh nghiệm đi làm đa quốc gia và có bằng Master là chuyện được coi là hiển nhiên.
Thứ ba là, góc nhìn của mình, bạn có bất lợi khi không thuộc nhóm văn hóa bản địa.
Vì khi ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh, liệu bạn có khả năng thích ứng với cách làm việc style Châu Âu, và đủ tự tin như người bản xứ khi giao tiếp/teamwork…. Đây là một vài dấu hỏi rất lớn dành cho người ngoại quốc.
Khi họ thấy bạn không phải người bản xứ, bạn đã ở vị trí bất lợi hơn bởi những mặc định, định kiến như vậy. Bạn sẽ luôn ở thế bơi ngược dòng.
Xác định được những điều này từ sớm thì bạn sẽ đỡ thất vọng về sau. Vì nhiều cái nằm ngoài tầm kiểm soát của một người, như việc lựa chọn nơi được sinh ra.
Nhưng nói vậy không phải là không có cách.
Bí kíp đi làm nước ngoài mà không đi du học trên một trang giấy
Xin lỗi, đến phần này mình phải đính chính lại chút. Gọi là “bí kíp” nhưng thực ra là không có “bí kíp” đánh đâu cũng trúng. Vì nếu có thì ai cũng đã làm rồi.
Nhưng đừng vội nản - vì dù không “100%” thành công, thì vẫn là cách để tăng cơ hội của bạn lên rất rất nhiều lần.
Xin phép được quote “Binh pháp Tôn Tử” dù hơi sến - “Biết mình biết ta, 100 trận 100 thắng”
Nắm rõ tại sao bạn lại muốn đi nước ngoài, cụ thể đi đâu thì càng tốt
Không phải đi nước nào cũng dễ như nhau.
Đi trong khối Châu Á dễ hơn nhiều Châu Âu. Lí do tại sao thì bạn có thể coi lại phần trên về yếu tố văn hóa. Chưa kể trong EU có các hiệp định tự do thông hành, làm việc mà không cần visa, bạn là 1 chọi 1000 với các ứng viên Châu Âu khác.
Ngoài ra, hầu hết các nước trong khối Châu Á đều có nền kinh tế đang tăng trưởng và trong các hub kinh tế lớn, cơ hội kiếm việc làm sẽ dễ dàng hơn so với chuyển ngang sang Châu Âu (trừ khi bạn làm những ngành như điều dưỡng, y tá, chăm sóc người già…).
Visa cũng là một yếu tố dễ thở hơn nếu bạn cần công ty tài trợ (e.g: Malaysia, Indonesia, etc. có chính sách visa hỗ trợ hơn cho các nước trong ASEAN).
Còn nếu bạn xác định muốn đi những nước phương Tây như Úc hay New Zealand mà không qua đi du học thì có thể đọc tiếp phần dưới.
Các yếu tố nền tảng cho việc đi làm nước ngoài
Một vài thứ cơ bản như ngoại ngữ, khả năng chuyên môn, khả năng làm việc nhóm, critical thinking… là những thứ mặc định phải có, nhưng chưa phải điều kiện đủ.
Nói một cách thô thiển, bạn có được nhà tuyển dụng bảo kê không?
Con đường nhanh nhất là qua các chương trình Graduate có base ở nước ngoài - điểm tên: JETS của Jardine Matheson, Beiersdorf Beyond Borders Trainee, Heineken Global Graduate Program… đều có tài trợ visa. Số lượng ít và mức độ cạnh tranh cao.
Nếu bạn không còn là Graduate - thì lúc này xét tới tính chất công việc bạn làm. Mà ở đây kĩ năng bạn đang sử dụng có đủ hiếm và transfer được hay không?
Một số job trong corporate dễ luân chuyển là những công việc đặc thù, hoặc khá mới, thường gắn liền với Strategy hơn là Operation.
Bởi vì chuyên môn dễ áp dụng với đa quốc gia, và khó để tuyển chuyên gia trong lĩnh vực này hơn. Ví dụ như: Business Controller, Revenue Management, System Experts, Transformation Manager…
Con đường thứ hai là đi theo diện nghề được ưu tiên - e.g: IT, Y Tá, Điều Dưỡng, Kĩ sư điện,… là một vài ngành được ưu tiên ở New Zealand khi xét đến cấp visa (bạn có thể check trên website về cư trú). Đôi khi, điều này có nghĩa là bạn phải sẵn sàng bắt đầu lại từ một nghề không phải chuyên môn, giống như chị đồng nghiệp Philippines với 20 năm kinh nghiệm kể ở trên.
Còn con đường thứ ba, con đường mà mình đã đi, là con đường thông qua danh tiếng dựng lên trong sự nghiệp. Đây là con đường mình thấy chắc ăn nhất, nhưng cũng khó thực hiện nhất. Làm thế nào mình sẽ nói ở phần dưới.
Đắc nhân tâm và câu chuyện xây dựng di sản (legacy)
Mình là người với niềm tin vào luật hoa quả, nghĩa là “gieo gì gặt nấy”.
Gieo… rồi quả táo sẽ đến với bạn - Tủ Sách Chữa Lành | Facebook
Điều cần làm là khiến người ta tin tường và sẵn sàng đầu tư vào tiềm năng của bạn.
Để xây dựng được cái tên cho riêng mình, trước hết hãy bắt đầu bằng câu hỏi: “Người ta đang nhớ tới bạn trong công việc vì điều gì?”
Bước đầu tiên, bắt đầu từ cách bạn làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp - bạn để lại ấn tượng gì nổi bật hơn so với những người khác? Một vài keyword gợi ý: đáng tin tưởng, nhanh nhẹn, tinh ý…. Người đồng nghiệp trong mơ của bạn như thế nào thì hãy cố gắng trở thành như vậy.
Và quan trọng là, hãy giữ mối liên lạc với những người đồng nghiệp và luôn mở rộng network chuyên nghiệp khi có thể (làm thế nào để network hiệu quả mình sẽ share thêm trong một bài viết tới).
Mình có được công việc này từ người sếp mà mình chưa từng dành ngày nào làm việc cùng. Nhưng mình luôn giữ mối quan hệ tốt, và khi cơ hội tới, mình là người đầu tiên nhận được. Trước khi công ty đăng tuyển, thì mình đã nắm chắc trong tay offer rồi.
“Don’t burn bridges. You’ll be surprised how many times you have to cross the same river.” — H. Jackson Brown Jr.
Bước thứ hai, bạn sẽ xây dựng legacy gì trong sự nghiệp? Cái này khó nói cụ thể, vì nó đòi hỏi tầm nhìn - bạn nhìn rộng ra được hơn những thứ bạn đang làm để giải quyết vấn đề thực sự của công ty không.
Hồi 2023 công ty tuyển mình cho dự án khảo sát thực địa, mình làm được thứ mà 5 năm công ty chưa ai làm được. Vì bài toán họ muốn giải là vấn đề về xây dựng một quy trình chuyển hóa khách hàng tiềm năng - chứ không phải chỉ đi làm khảo sát.
Và mình cho họ đáp án từ chính thứ họ sẵn có từ lâu: insights từ Sales địa bàn, nguồn thông tin tốt nhất nhưng luôn bị phân mảnh, thất lạc qua các năm do thiếu quy trình và hệ thống để kiểm soát.
Khi ai cũng muốn đào vàng, thì hãy trở thành người bán xẻng.
Bước ba, cố gắng ăn ở thật tốt.
Không thật đấy, phần mình đi được xa tới vậy là do tổ tiên cũng đã gánh còng lưng. Cứ cố gắng đối xử tốt và cảm thông với mọi người, thì ắt sẽ có người giúp bạn thành công.
Nói tóm lại thì
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”
Trước hết hãy bắt đầu với ước muốn, và viết ra càng cụ thể càng tốt. Rồi sau đó lên một cái plan, mỗi năm mở ra review và reflect một chút xem mình đang đi được tới đâu. Xong rồi thì đóng lại, và bắt đầu làm thôi - từ những bước nhỏ nhất.
Nếu không đi thì sẽ không đến. Còn nếu đi, chưa chắc tới đích mà bạn muốn, nhưng sẽ đạt được tới cái bạn xứng đáng.
Chúc thành công trên con đường bạn chọn nhé ;)
Cheers,
Daniel (Nguyên)
Bài rất hay ak. Thanks for sharing!